Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1/3/1906-1/3/2016) – người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người Cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, xin trân trọng giới thiệu bài viết “Phạm Văn Đồng – nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của Đảng và dân tộc” của GS. TS. Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Đồng chí Phạm Văn Đồng, như Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là “Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Người Cộng sản kiên cường, mẫu mực; Nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; Người con rất mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; Nhà văn hóa lớn của dân tộc”. Đồng chí Phạm Văn Đồng trong rất nhiều năm (thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Chiến khu Việt Bắc và sau này về Thủ đô Hà Nội) được sống, làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, Phạm Văn Đồng đã chịu ảnh hưởng sâu sắc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng, đạo đức, tác phong, về tư duy chính trị và văn hóa. Đồng chí có 35 năm liên tục là Ủy viên Bộ Chính trị (1951-1986), 32 năm là Thủ tướng Chính phủ (1955-1987), 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1986-1997). Bề dày đó cho thấy đồng chí là nhà chính trị tài năng, nhà hoạt động nhà nước nhiều kinh nghiệm, có uy tín lớn, đồng thời là nhà văn hóa lớn của dân tộc như Đảng ta đánh giá. Đồng chí đã có nhiều tư duy sáng tạo về văn hóa và bản thân cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí đã toát lên tính văn hóa, một nhân cách văn hóa.
Phạm Văn Đồng là một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Là học trò xuất sắc và được làm việc bên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều năm, Phạm Văn Đồng rất tâm đắc với lời dạy của Người: Phải coi được cống hiến cho Đảng, cho dân là điều hạnh phúc. Đồng chí là tấm gương về rèn luyện đạo đức, thực hành đạo đức, suốt đời cống hiến, hy sinh cho cách mạng, tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với dân, rất mực liêm khiết, giản dị, khiêm tốn. Đây là những nét nổi bật trong nhân cách văn hóa của Phạm Văn Đồng trong bất cứ thời kỳ nào và bất cứ cương vị nào – trong lao tù đế quốc ở Côn Đảo hay trong xây dựng căn cứ địa Việt Bắc, trong tư cách đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ để xây dựng và củng cố căn cứ địa, vùng tự do liên khu V hay với trọng trách là Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương… rồi Chủ tịch Hội đồng chi viện chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí đều hết lòng hết sức với công việc, biết tổ chức, biết huy động quần chúng để vừa kháng chiến thắng lợi, vừa kiến quốc thành công. Tài năng và đức độ của Phạm Văn Đồng đã tạo nên hiệu quả cao nhất của một nhà chính trị, nhà văn hóa lớn.
Phạm Văn Đồng là người rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, văn học nghệ thuật, đồng chí đã có nhiều bài viết, tác phẩm quan trọng và sâu sắc về văn hóa.
Theo đồng chí, văn hóa là “hiểu biết, khám phá và sáng tạo”, “văn hóa là quá trình con người và cộng đồng con người ở từng nơi và ở mọi nơi đoàn kết và phấn đấu qua biết bao gian khổ và hy sinh để từng bước, từng phần tự khẳng định mình, từng bước, từng phần thoát khỏi thân phận bị tha hóa, dần dần trở thành con người tự do”(1). Đồng chí coi chủ nghĩa Marx là đỉnh cao của văn hóa và tiếp cận đến văn hóa từ đỉnh cao đó. Đồng chí Phạm Văn Đồng luôn đề cao vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng, nhấn mạnh tính cách mạng và tính nhân văn trong quan niệm về văn hóa. Theo đồng chí, công tác văn hóa là công tác tư tưởng, công tác giáo dục; văn hóa, văn nghệ có tác dụng sâu sắc, thấm thía, lâu bền nhất. Điều đó cũng chính là thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Là người đứng đầu Chính phủ, bận trăm công nghìn việc, song đồng chí rất quan tâm tới giới trí thức, văn nghệ sĩ với tình cảm chân thành như một người bạn. Đồng chí luôn chăm lo, vun đắp những tài năng khoa học cho đất nước, sẵn sàng trao đổi, đối thoại tâm tình, thẳng thắn, gần gũi, lắng nghe ý kiến của tất cả. Đồng chí yêu cầu người trí thức, văn nghệ sĩ “phải sống với cuộc chiến đấu, sống với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nghĩa là sống cái hiện thực vĩ đại nhất của nhân dân ta, mà đồng thời cũng là hiện thực vĩ đại của nhân dân thế giới”(2), phải đắm mình trong hiện thực vĩ đại của nhân dân mới có sáng tạo, mới có những tác phẩm hay. Người văn nghệ sĩ phải có vốn sống, phải “lăn lộn trong đời sống, hiểu đời sống”. Hiện thực vĩ đại đòi hỏi văn nghệ sĩ phải nâng mình lên ngang tầm với hiện thực đó. Đồng chí đòi hỏi văn nghệ sĩ phải thường xuyên rèn luyện lập trường tư tưởng và bản lĩnh chiến đấu: “Hãy sống và chiến đấu như những chiến sĩ dũng cảm của dân tộc mình, phát huy mọi tài năng của mình để xây dựng hạnh phúc của nhân dân”. Đó là trách nhiệm cao cả của người văn nghệ sĩ. Văn học nghệ thuật là vũ khí sắc bén để góp phần cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn. Văn học nghệ thuật là một hình thức, phương thức làm công tác tư tưởng hữu hiệu. Đồng chí cho rằng: “Trong các phương thức để tiến hành giáo dục tư tưởng, thì văn hóa, văn nghệ có tác dụng sâu sắc, thấm thía, lâu bền bậc nhất”(3). Bởi vì văn hóa nghệ thuật có sự gắn chặt giữa nội dung tư tưởng với nội dung tình cảm. Theo đồng chí, tình cảm tạo nên sự lắng sâu, bền vững, khó quên trong lòng người so với các hoạt động nhận thức khác. Tuy nhiên, không nên rơi vào chủ nghĩa tình cảm dễ làm mất đi sự tỉnh táo sáng suốt, dễ tạo nên trạng thái “rưng rưng” trước mọi hiện tượng nhưng rồi không hành động, thiếu quyết đoán. Đồng chí nhấn mạnh người văn nghệ sĩ phải “sáng mắt, sáng lòng”, có lý trí sáng suốt và trái tim nhân văn, đồng thời phải có bản lĩnh vững vàng. Đồng chí yêu cầu tác phẩm nghệ thuật phải có “giá trị tư tưởng đầy đủ và giá trị nghệ thuật đầy đủ”, nội dung và hình thức nghệ thuật phải thống nhất với nhau, không được đề cao cái này mà coi nhẹ cái kia và ngược lại. Bởi vì đối tượng của văn học nghệ thuật là phục vụ nhân dân, “sáng tác văn học và nghệ thuật là để đem lại thức ăn tinh thần cho nhân dân ta” mà nhân dân yêu cầu tác phẩm văn học nghệ thuật phải có nội dung tốt và hình thức hay, hấp dẫn, lôi cuốn. Có như vậy, văn hóa mới góp sức vào xây dựng con người mới.
Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu |
Phạm Văn Đồng là người am hiểu sâu sắc về đặc thù của lĩnh vực văn hóa, đặc thù của sáng tạo văn học nghệ thuật. Đồng chí nói: “Cách mạng là sáng tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội là sáng tạo. Trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật, cũng phải có sáng tạo. Theo tôi hiểu thì sáng tạo đối với các đồng chí là phản ánh được cái mới trong xã hội, làm sao cho mọi người thấy được cái nụ, cái chồi, cái bông hoa mới của chủ nghĩa xã hội đương xuất hiện trong đời sống của xã hội và trong tâm hồn của con người”(4). Chức năng cơ bản của văn hóa, văn nghệ là “hiểu biết, khám phá và sáng tạo”, do đó nó là “nhân tố có tầm quan trọng bậc nhất góp phần không chỉ làm nên sự nghiệp của một con người, mà còn là động lực làm nên lịch sử của một dân tộc, của cả loài người"(5).
Để khám phá và sáng tạo, phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tính đảng và tính nghệ thuật. Khi xuất bản sách văn nghệ, đồng chí chỉ rõ: “Nhà xuất bản phải bảo đảm về tư tưởng chính trị, nhà văn đảm bảo về chất lượng tác phẩm phải hay. Nhà xuất bản chỉ thổi còi về chính trị khi có vấn đề, còn nghệ thuật là của nhà văn, không có nhà xuất bản nào làm thay được nhà văn về chất lượng nghệ thuật. Điều tối kỵ của biên tập viên là tự ý sửa chữa tác phẩm của nhà văn”(6) và “một tác phẩm hay phải có nội dung 100%, nghệ thuật 100%”(7).
Theo đồng chí, văn nghệ sĩ phải biết tự tạo cho mình “một phong cách độc đáo” – phong cách riêng, phải có hoài bão, ước mơ, đồng chí nói: “Phải lắng nghe cái gì sâu xa nhất trong con người của mình, bồi dưỡng cho mình một bản lĩnh vững vàng, một phong cách độc đáo, vì nghệ thuật không phải là sản phẩm được sản xuất hàng loạt như sản xuất công nghiệp. Hãy suy nghĩ lời khuyên của Gorky: Bạn hãy giữ lấy cái gì là riêng của mình, hãy săn sóc làm sao cho nó phát triển tự do. Lúc một người không có cái gì là riêng của mình, thì phải thấy ở người đó chẳng có gì hết”(8).
Chính vì vậy, đồng chí cho rằng làm văn nghệ “phải có khiếu, có tài”; tài năng không phải tự nhiên có mà phải trải qua quá trình rèn luyện công phu. Đồng chí chân thành khuyên mọi người: “Nếu không có tài năng gì đặc biệt, thì anh nên đi làm việc khác, làm văn nghệ khổ lắm”(9).
Là người lãnh đạo, là nhà văn hóa lớn của dân tộc, Phạm Văn Đồng luôn quan tâm sâu sát, chí tình chí nghĩa đến giới văn nghệ sĩ. Từ công việc, đời sống, đào tạo bồi dưỡng đến phương châm, phương hướng sáng tác, biểu diễn,… đều được đồng chí tìm hiểu kỹ càng, chỉ đạo sâu sắc, thân tình. Rất nhiều nhà khoa học, nhiều nghệ sĩ, nhiều trí thức có danh tiếng ở nước ta đã coi đồng chí Phạm Văn Đồng là người anh lớn của mình vì tài năng, trí tuệ, nhân cách, vì tấm lòng nhân hậu, khoan dung của đồng chí.
Phạm Văn Đồng không chỉ có những tư tưởng sâu sắc, sáng tạo về văn hóa nghệ thuật mà còn có những tư tưởng sâu sắc, tâm huyết về giáo dục, thể hiện là nhà giáo dục lớn. Là Chủ tịch Ủy ban cải cách giáo dục Trung ương nhiều năm, đồng chí yêu cầu: Mỗi thầy giáo phải trả lời cho được câu hỏi: Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, cả đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục. Phải làm và làm tốt giáo dục đạo đức cách mạng. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học; phải xác định rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu, là tương lai của dân tộc. Đồng chí rất quan tâm đến việc nghiên cứu và giảng dạy đạo đức học, phải làm thế nào để môn học này “trở nên một ngành của khoa học xã hội… một môn học không thể thiếu được trong các trường đại học và giáo dục phổ thông”(10). Những tư tưởng trên đây của Phạm Văn Đồng về giáo dục vẫn có ý nghĩa thời sự cấp bách đối với hiện nay ở nước ta, nhất là trong việc thực hiện nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trong tác phẩm Văn hóa và đổi mới, Phạm Văn Đồng đã trình bày mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và đổi mới: “Văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa, như vậy hai là một và một thành hai”(11). Đồng chí đã phân tích sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kinh tế, văn hóa và xã hội, văn hóa và hệ thống chính trị, văn hóa và xu thế đổi mới. Từ đó, đồng chí kết luận “đổi mới thật sự là văn hóa và văn hóa mới hòa nhập như một với đổi mới”, “đổi mới là sự nghiệp của văn hóa và trí tuệ”, phải đem “ánh sáng của văn hóa vào hoạt động kinh tế”, đổi mới không phải là xóa bỏ quá khứ mà là làm sống lại cái quá khứ cần khôi phục, bảo tồn và bảo quản, tất nhiên phải biết kết hợp với cái hiện đại một cách thích hợp. Đồng chí nhấn mạnh: “Chiến lược con người là sự kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, trong đó văn hóa, xã hội nhập vào kinh tế như một nhân tố bên trong, hơn thế nữa, như mục tiêu và động lực của tăng trưởng kinh tế. Sự kết hợp hữu cơ này là một nét truyền thống thể hiện bản sắc của dân tộc ta, một nội dung cơ bản trong định hướng xã hội chủ nghĩa của chế độ ta, phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại ngày nay”(12).
Như vậy, bằng sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về văn hóa và thực tiễn – lịch sử của dân tộc với tầm cao văn hóa và thế giới quan cách mạng của người Cộng sản, Phạm Văn Đồng đã nâng tư duy về văn hóa lên tầm lý luận mang tính triết lý, khái quát cao. Đồng chí đã có đóng góp to lớn không chỉ cho cách mạng nói chung mà còn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa của nước nhà. Thiết nghĩ những tư tưởng, chỉ dẫn của Phạm Văn Đồng về văn hóa sẽ tiếp tục có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với nước ta trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa như nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định./.
(1). Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.11.
(2). Phạm Văn Đồng: Xây dựng nền văn hóa văn nghệ ngang tầm với dân tộc ta, thời đại ta, Nxb. Sự thật, 1975, tr.124.
(3). Phạm Văn Đồng: Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb. Văn học, 1973, tr.45.
(4). Phạm Văn Đồng: Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Sđd, tr.51.
(5). Phạm Văn Đồng: Về vấn đề giáo dục – đào tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.6.
(6), (7), (8). Phạm Văn Đồng trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.764, 752.
(9). Phạm Văn Đồng: Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Sđd, tr.109.
(10). Phạm Văn Đồng: Tuyển tập văn học, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1996, tr.542.
(11), (12). Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Sđd, tr.43, 85.