Tỉnh Quảng Trị ở vào vị trí trung độ của cả nước, nơi có con sông Bến Hải – giới tuyến quân sự tạm thời chia đôi đất nước theo Hiệp định Genève năm 1954. Chính quyền Sài Gòn tổ chức hệ thống quân sự ở Quảng Trị như một tiền đồn, tuyến phòng thủ trọng yếu chống sự “xâm lăng” của “Bắc Việt”. Vì thế, Quảng Trị trở thành một trong những chiến trường giao tranh khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ.

Du kích và bộ đội địa phương Hải Lăng truy kích địch ngày 18-3-1975.

 

Đầu năm 1975, trước những thắng lợi liên tiếp của Quân giải phóng ở Tây Nguyên và các chiến trường khác, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu buộc phải tái phối trí lực lượng, rút bớt một số đơn vị, số còn lại buộc phải co cụm, chỉ tổ chức phòng thủ ở những nơi xung yếu. Điều này khiến cho sức mạnh quân địch tại Quảng Trị bị suy giảm đáng kể. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về việc chớp thời cơ giải phóng miền Nam trong năm 1975, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Trị – Thiên tổ chức hội nghị, hạ quyết tâm giải phóng Quảng Trị. Đêm 18 rạng ngày 19-3-1975, các lực lượng vũ trang ta đồng loạt tiến công vào tuyến phòng thủ của địch. Quân giải phóng đồng loạt tập kích các cao điểm 122, 180, 90, áp chế trận địa pháo của địch ở Dốc Dầu, Tân Điền. Du kích các địa phương chuyển từ vây ép địch ở Tây Nam Hải Lăng sang tiến công truy kích diệt địch ở các điểm cao 235, 367, 222, động Ông Do. Nhân dân các huyện vùng giáp ranh, vùng đồng bằng nổi dậy chiếm trụ sở chính quyền địch ở cơ sở.

18 giờ 30 phút ngày 19-3-1975, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Quảng Trị giải phóng, căn cứ tiền đồn trong hệ thống phòng thủ cực Bắc bị phá vỡ, mở ra quá trình sụp đổ của chính quyền Sài Gòn ngay sau đó trên địa bàn duyên hải Trung bộ.

Nguồn: Hồ Sơn Đài ( SGGPO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *