70 năm trước đây, giữa lúc nhân dân Nam bộ đang hưởng không khí độc lập tự do sau 28 ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 23-9-1945, bọn Pháp núp bóng quân Anh đã dùng vũ lực đánh chiếm các cơ quan chính quyền cách mạng ở thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23-9-1945)

 

Bằng sức mạnh mãnh liệt của tinh thần yêu nước, nhân dân Nam bộ “nóp với giáo mang ngang vai” đã xông ra tiền tuyến. 6.000 Tự vệ công đoàn, 2.000 thanh niên Công an xung phong thành phố Sài Gòn bằng giáo mác, gậy tầm vông đã chiến đấu quyết liệt với 10.000 quân Anh – Pháp trang bị bằng vũ khí tối tân. Bọn địch lầm tưởng rằng có thể đánh bại quân ta trong chớp nhoáng. Nhưng chúng bị “trong đánh, ngoài vây” với khí phách dũng mãnh của một tiểu đội chiến sĩ đã hy sinh đến người cuối cùng để bảo vệ lá quốc kỳ trên đỉnh cột cờ Thủ Ngữ; với tinh thần quyết tử của người anh hùng thiếu niên Lê Văn Tám đã biến thành “ngọn đuốc sống” để đốt cháy kho xăng của địch ở Khánh Hội; với các chiến sĩ ở mặt trận Chợ Đệm đã góp máu cắt từ ngón tay mình hòa trong nước chuyển nhau uống để thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Cùng với Sài Gòn, ở khắp các địa phương đã ráo riết kháng chiến. Vì vậy, đến thượng tuần tháng 2-1946, quân Pháp mới chiếm được tỉnh cuối cùng của Nam bộ là Bà Rịa. Nhưng chúng đã phải trả giá đắt bằng sinh mạng 1.667 binh sĩ.

Giờ đây đọc lại báo chí trong những ngày đầu kháng chiến, chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi. Báo Cờ Giải Phóng ngày 5-11-1945 đã viết: “Nam bộ sẵn sàng liều chết 10 vạn để giết 1 vạn giặc Pháp hay liều chết 100 vạn để giết 10 vạn giặc Pháp. Ta có thể chết 10 vạn hay 100 vạn, nhưng giặc Pháp không thể nào chịu chết 5 vạn, 3 vạn người ở Nam bộ”. – S

Một trong những nguồn động lực tinh thần to lớn cổ vũ ý chí quyết chiến quyết thắng của quân dân Nam bộ là tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Ở khắp các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ đã sôi nổi tổ chức “Ngày Nam bộ”, nhằm quyên góp để chi viện cho chiến trường Nam bộ và gấp rút lập những “đoàn quân Nam tiến”. Có đơn vị Nam tiến vừa vào đến Sài Gòn đã lao ngay vào những trận đánh quyết liệt. Kiều bào ta ở Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đã tổ chức các chi đội hải ngoại đưa về Nam bộ tham gia chiến đấu.

Trong “Thư gửi đồng bào Nam bộ” ngày 1-6-1946, Bác Hồ viết: “Đồng bào Nam bộ đã hy sinh tranh đấu mấy tháng trường để gìn giữ non sông cho toàn Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước phải nhớ ơn đồng bào Nam bộ. Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Từ ngày 23-9-1945 đến 19-12-1946, chiến trường Nam bộ đã hoàn toàn làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch, thu hẹp vùng kiểm soát của chúng, xây dựng lực lượng vũ trang của ta và bước đầu hình thành hệ thống chính quyền cách mạng. Tháng 2-1946 thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng nhân dân Nam bộ danh hiệu “Thành Đồng Tổ Quốc”.

Từ ngày toàn quốc kháng chiến đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân Nam bộ đã chen vai sát cánh cùng quân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân. Suốt trong 8 năm ròng rã, chiến trường Nam bộ đã ra sức góp phần tổ chức thực hiện thắng lợi những chiến dịch quân sự có quy mô lớn trên chiến trường chính ở Bắc bộ như: Chiến dịch Việt Bắc, Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Hòa Bình, Chiến dịch Tây Bắc, Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung bình mỗi tháng, các tỉnh ở Nam bộ đã tác chiến khoảng 300 trận. Năm 1946, trên chiến trường Nam bộ đã có 27 chi đội và một đơn vị tập trung; đến cuối năm 1948, tổng số dân quân tự vệ trên chiến trường có khoảng 270.593 người.

Ngày 3-9-1948, trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương cuộc kháng chiến Nam bộ là “đội xung phong oanh liệt trong cuộc toàn dân kháng chiến”. Trong “Thư gửi Xứ ủy Nam bộ” tháng 10-1948, Trung ương Đảng khen ngợi: “Cuộc kháng chiến Nam bộ thật có tính nhân dân, tự dân đứng dậy xông lên để bảo vệ bằng mọi cách với mọi sáng kiến, mọi khả năng. Từ không có rừng núi hiểm trở, mà tạo nên rừng người, núi người”.

Tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp trên một chiến trường ở xa Trung ương, Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam bằng tính năng động sáng tạo của mình đã góp phần cống hiến cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm rất quý giá được thể hiện nổi bật trong việc xây dựng Đảng; xây dựng lực lượng vũ trang; xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất và xây dựng căn cứ địa kháng chiến.

Một trong những vấn đề mà tôi tâm đắc nhất là bài học về công tác xây dựng Đảng. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ Nam bộ đã lớn mạnh không ngừng. Năm 1945 có 3.000 đảng viên, năm 1948: 34.000, năm 1949: 40.000, năm 1952: 63.411. Từ 910 chi bộ xã năm 1949, năm 1952 có 1.075 chi bộ xã trong tổng số 1.214 xã. Năm 1949, đảng viên trong quân đội có 11.000, chiếm 20% quân số. So với số dân, tổng số đảng viên Đảng bộ Nam bộ năm 1952 chiếm tỷ lệ 1,15%. Các tổ chức quần chúng phát triển mạnh: 299.904 hội viên nông dân, 237.718 đoàn viên thanh niên, 458.880 đoàn viên phụ nữ, 70.000 đoàn viên Liên hiệp nghiệp đoàn.

Nhờ sự quan tâm xây dựng Đảng vững mạnh nên Đảng bộ Nam bộ có được một đội ngũ cán bộ “trung với Đảng, hiếu với dân, khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Chúng ta xúc động nhớ lại trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hàng tháng mỗi cán bộ chỉ được cấp 2 đồng tiền tiêu vặt (đủ để hớt tóc và mua một cục xà bông tắm giặt), 2 bộ quần áo hàng năm, 1,5 giạ lúa (60 lít) để ăn, còn thức ăn thì tự túc. Ban đêm mọi người đều ngủ nóp, chẳng ai biết đến chăn chiếu, mùng mền. Ấy vậy mà phẩm chất đạo đức cán bộ, đảng viên rất trong sáng, khác hẳn với tình hình hiện nay.

Hãy còn một bài học kinh nghiệm quý báu của thời kháng chiến chống Pháp lưu giữ mãi trong ký ức tôi, đó là bài học về việc quán triệt vận dụng “đường lối quần chúng” của Đảng – bài học coi “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Do vậy trong những năm tháng kháng chiến, Xứ ủy Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam đã khơi dậy, phát huy cao độ tính năng động và bản lĩnh sáng tạo của con người.

Trong lĩnh vực hoạt động quân sự: Quân dân ta đã tìm ra được mô hình xây dựng thành công căn cứ địa kháng chiến ở bưng biền Đồng Tháp Mười, trong rừng ngập mặn U Minh và giữa núi rừng miền Đông Nam bộ; đã phát hiện ra những cách đánh có hiệu quả về giao thông chiến, về cường tập công đồn; đã sáng tạo ra những cách đánh bằng thủy lôi và hoạt động của các đội đặc công dưới nước; đã xuất phát từ căn cứ lòng dân mà tìm ra được cách đánh du kích trong lòng địch; đã xây dựng những làng chiến đấu, giao thông hào và địa đạo độc đáo ở miền Đông; đã đắp một hệ thống cản kiên cố để ngăn chặn sự hoạt động của các loại tàu chiến địch ở Đồng Tháp Mười và miền Tây Nam bộ…

Tính chất quần chúng của cuộc kháng chiến còn được thể hiện đậm nét trong hoạt động của các đoàn thể, đặc biệt là phong trào thanh niên sôi nổi thi đua tòng quân giết giặc và bà con nông dân tham gia xây dựng hậu phương. Các phong trào “hũ gạo nuôi quân”, “bụi chuối yêu nước”, “con gà kháng chiến”, “áo mùa đông binh sĩ”… đều xuất phát từ đây.

Trong lĩnh vực kháng chiến về kinh tế và văn hóa: Có hai sự kiện thể hiện nổi bật tính năng động và sáng tạo của chiến trường Nam bộ.

Sự kiện thứ nhất là việc tạm cấp ruộng đất cho nông dân. Tính đến thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ đã tạm cấp 564.547ha đất cho 527.163 nhân khẩu. Xuất phát từ đặc điểm riêng của nông thôn Nam bộ, Xứ ủy và Trung ương Cục miền Nam đã xác định không sử dụng biện pháp tước đoạt bằng bạo lực để giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân. Nhờ vậy, chúng ta vừa đạt được mục tiêu người cày có ruộng, vừa giữ được sự ổn định ở hậu phương nhằm huy động tối đa sức mạnh tổng hợp vĩ đại của toàn dân để thực hiện thắng lợi khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Sự kiện thứ hai, nhờ phát động mạnh mẽ các phong trào hành động cách mạng của quần chúng nên Đảng ta đã xây dựng thành công mô hình nông thôn mới trong vùng giải phóng.

Đi đôi với việc phát động sâu rộng phong trào “xây dựng đời sống mới”, thực hiện nếp sống ăn sạch, ở sạch, các cơ quan chính quyền và đoàn thể quần chúng đã vận động nhân dân xóa bỏ những tập quán lạc hậu, cờ bạc, rượu chè, trộm cắp, mê tín dị đoan.. Do vậy trong vùng giải phóng nạn trộm cắp không còn, nhà dân không đóng cửa, thậm chí có nhà không làm cửa, ghe xuồng đậu dưới sông rạch chẳng cần ai canh giữ.

Về mặt giáo dục, đến tháng 7-1954, toàn Nam bộ có 5 triệu người thoát nạn mù chữ. Ở các tỉnh có trường nội trú cấp 1, ở huyện có trường dạy đến lớp 3. Tại miền Tây, đã mở trường trung học kháng chiến.

Về hoạt động y tế, đến năm 1953, trong vùng giải phóng đã đẩy lùi được bệnh đậu mùa và suốt trong những năm kháng chiến không hề xảy ra bệnh dịch. Đặc biệt, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã tìm ra phương pháp chữa bệnh được nhân dân ca ngợi là “thần dược” – đó là sáng kiến cấy nhau bằng phương pháp Filatov và việc sử dụng huyết thanh Bogomoletz.

Sau khi nông dân được tạm cấp ruộng đất và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ thực hiện “chính sách kinh tế mới”, đời sống của nhân dân trong vùng giải phóng ngày càng được cải thiện, tầng lớp trung nông chiếm đến 70% dân số và trở thành “nhân vật chính ở nông thôn”. Lúc sinh thời, đồng chí Võ Văn Kiệt đã từng hết lời ca ngợi trong những tháng năm kháng chiến, Đảng ta đã xây dựng được mô hình của một xã hội tốt đẹp ấm no.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Nam bộ kháng chiến, với tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, chúng ta đời đời nhớ ơn biết bao anh hùng liệt sĩ, biết bao đồng chí, đồng bào đã chiến đấu quên mình vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn to lớn của của Bác Hồ, của Trung ương Đảng và những nhà lãnh đạo ưu tú trên chiến trường Nam bộ, tiêu biểu là các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Kỉnh, Phạm Văn Bạch, Trung tướng Nguyễn Bình…

Kỷ niệm cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam bộ, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chúng ta nguyện tiếp thu giá trị tinh hoa của những bài học kinh nghiệm quý giá đã được đúc kết bằng xương máu để ra sức vận dụng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Nguồn: Phan Văn Khải ( Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ )

( SGGPO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *