Tranh cổ động tuyên truyền về bầu cử – những giá trị còn mãi với thời gian
17/05/2021Diễn ra từ ngày 09/11 đến hết ngày 31/12/2020 với sự tham gia của 400 tác phẩm, vừa qua, cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tổng kết và trao giải. Cuộc thi thêm một lần nữa khẳng định giá trị và ý nghĩa của hình thức tranh cổ động đối với hoạt động bầu cử.
Nếu báo chí là một hình thức thông tin chi tiết các nội dung về bầu cử, luôn cập nhật bám sát các sự kiện, đăng tải kịp thời, phản ánh thông tin một cách hiệu quả thì trong lĩnh vực nghệ thuật, tranh cổ động chính là một hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan, gần gũi và tạo hiệu ứng mạnh với mỗi người dân. Tranh cổ động tuyên truyền về bầu cử vẫn có vị trí không cũ, bởi đây là loại hình tác chiến nhanh, và bày tỏ cảm xúc của người sáng tác một cách nhanh nhất trước sự kiện trọng đại của đất nước.
Trong cuộc thi lần này, 63 tác phẩm của các họa sỹ chuyên và không chuyên trên toàn quốc đã được Ban giám khảo lựa chọn để trưng bày triển lãm và trao giải. Trong đó có không ít những tác giả đã có bề dày vẽ tranh cổ động về đề tài này ở liên tiếp các kỳ bầu cử.
Tranh cổ động của họa sỹ Trần Duy Trúc tham dự cuộc thi
“Tôi còn sống ngày nào thì tôi còn vẽ tranh cổ động ngày ấy” đó là lời tâm sự của hoạ sĩ Trần Duy Trúc – một tác giả có tác phẩm ấn tượng được lựa chọn để trưng bày lần này. Hoạ sĩ Trần Duy Trúc sinh năm 1944 và dành cả đời cho hội hoạ. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông được đánh giá là người thành công ở đề tài tranh cổ động. Hàng trăm bức tranh đã được ra đời trải dài trong gần nửa thế kỷ. Ở sự kiện nào của đất nước, người ta cũng nhìn thấy tranh ông vẽ và đặc biệt ở 4 kỳ Quốc hội gần đây, tranh của ông luôn được sử dụng, in ấn trong công tác tuyên truyền bầu cử trên cả nước. Với ông, vẽ tranh cổ động về bầu cử tưởng rằng đơn giản nhưng lại rất khó, vì đây là đường lối lớn của Đảng và nhà nước, của Quốc hội, mà Quốc hội chính là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cho nên phải chú ý thật kỹ về người, rồi chữ nghĩa, hình thức… để mỗi người dân nhìn vào sẽ hiểu ngay, hiểu đúng nội dung.
Đến hẹn lại lên, trong cuộc phát động cuộc thi vẽ tranh cổ động về bầu cử Quốc hội khoá XV do Cục văn hoá cơ sở tổ chức lần này, ông tham gia và tranh của ông lại tiếp tục được lựa chọn in ấn và gửi về các địa phương phục vụ công tác tuyên truyền.
Về tác phẩm của mình, họa sĩ Trần Duy Trúc chia sẻ: “Tôi vẽ cô gái của dân tộc Thái , tôi dựa vào câu nói: sáng suốt lựa chọn những đại biểu có đức có tài. Hình ảnh một cô gái Thái vừa bầu cử xong, và cô ngồi cô xem lại, tay cầm bút. Đó là một hình ảnh rất đẹp người dân tộc, xem là mình bầu ai đúng chưa? Bao nhiêu người theo đúng danh sách của nhà nước? Hình ảnh này vừa mềm mại hơn, toát lên được ý thức của đồng bào dân tộc hiểu về bầu cử như thế nào? hiểu việc Quốc Hội như thế nào? Tác dụng của tranh là như thế, tuyên truyền cho mọi người trong vấn đề đấy, để nâng cao trách nhiệm của ta đối với Quốc hội, đối với nhà nước.”
Tranh cổ động của họa sỹ Đỗ Trung Kiên tham dự cuộc thi
Trong lĩnh vực hội hoạ, không nhiều hoạ sĩ theo đuổi dòng tranh cổ động, mà lại là tranh cổ động tuyên truyền chính trị, đặc biệt là các họa sĩ trẻ. Bởi tranh cổ động chính trị thường bị coi là “khô cứng”, có những mô-típ không thể thay thế do đó phần nào hạn chế sáng tạo của họa sĩ. Thế nhưng họa sĩ trẻ Đỗ Trung Kiên, một trong số ít những tác giả trẻ nhất cuộc thi lần này vẫn say sưa vẽ những bức tranh cổ động trên những mô-típ không thể thay thế ấy. Anh luôn cố gắng khám phá những ý tưởng mới, thay đổi bố cục, màu sắc, cách điệu những hình tượng quen thuộc để tạo nên nét đặc sắc riêng trong từng tác phẩm của mình. Với anh, việc vẽ tranh cổ động đáp ứng nhu cầu tuyên truyền các nhiệm vụ trọng đại của đất nước đã trở thành niềm đam mê trong nhiều năm qua. Và anh còn truyền niềm đam mê đó cho thế hệ sinh viên hôm nay, để các em hiểu được tính đặc thù cũng như tầm quan trọng, ý nghĩa của thể loại tranh cổ động. Ở cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, anh vinh dự được trao nhận giải Nhì và 3 bức tranh của anh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lựa chọn để in ấn và phát hành tuyên truyền trong cuộc bầu cử sắp tới, mang những sắc thái tươi trẻ của nhịp sống mới, đủ đầy các tầng lớp nhân dân cầm lá phiếu với niềm tin yêu, hứng khởi.
400 tác phẩm dự thi và đặc biệt 63 tác phẩm được lựa chọn, ngoài việc thể hiện được nội dung yêu cầu chủ đề của cuộc thi, đáp ứng tốt về mỹ thuật thì về mặt giá trị và ý nghĩa cũng đã đạt được hiệu quả rõ nét. Mỗi một tác giả có sự sáng tạo riêng, có cách nhìn nhận riêng nhưng trên hết đều toát lên được tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, qua các thời kỳ tranh cổ động có trục đi xuyên suốt, từ Đại hội Đảng toàn quốc, rồi bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, câu chuyện không bao giờ cũ cả. Nhưng vấn đề ở mỗi một thời nghệ sĩ tạo thế nào nên hình tượng không bị lặp lại những hình tượng đã thành công ở quá khứ. Và bây giờ phải đưa ra những nét đẹp của người Việt mới, của thế kỷ mới. Trong đó là hình ảnh các cháu thiếu nhi, hình ảnh người chiến sĩ biển đảo, chiến sĩ hải quân… cầm lá phiếu đi bầu cử. Phải thể hiện ra vẻ đẹp chân thành nhất trong trách nhiệm công dân của cử tri, khi cầm lá phiếu trên tay, để bầu ra những người xứng đáng nhất cho Quốc hội khóa mới. Điều này thể hiện sự đồng thuận, khớp nhịp giữa cảm xúc của người nghệ sĩ trong cảm nhận ước ao nguyện vọng, cái khao khát của người Việt Nam trước những sự kiện lớn của đất nước.
Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 khoá và sự song hành của loại hình nghệ thuật này vẫn bền bỉ và có giá trị nhất định trong việc tuyên truyền về tầm quan trọng của cuộc bầu cử cũng như lan toả sự kiện trọng đại của đất nước tới mỗi người dân./.
Theo hoidongbaucu.quochoi.vn