Tính pháp lý của nguyên tắc dân chủ trong bầu cử ở nước ta
08/05/2021Bầu cử với tư cách là một thiết chế bảo đảm dân chủ cần phải có những nguyên tắc chung nhất, mà bất cứ hoạt động bầu cử ở đâu cũng đều phải tuân theo. Chính vì vậy, ngay từ khi cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I năm 1946, những nguyên tắc trong bầu cử đã được Chính phủ lâm thời quy định rất rõ ràng trong những sắc lệnh về công tác tổ chức bầu cử.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, để chuẩn bị tiến tới một cuộc Tổng tuyển cử, bầu ra cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân là Quốc hội, Chính phủ lâm thời đã liên tiếp ban hành các sắc lệnh để chuẩn bị cho công tác bầu cử. Trong đó có Sắc lệnh số 51-SL ngày 17 tháng 10 năm 1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Cụ thể: Điều 2 – Sắc lệnh 51 quy định: “Tất cả những công dân Việt Nam 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ ra những người này.
1- Những người điên: Những người mà dân địa phương đã công nhận là điên. Danh sách những người trong làng hay khu phố do Ủy ban nhân dân làng hay khu phố ấn định.
2- Những người hành khất chuyên môn, hay là những người do một hội thiện nào nuôi vĩnh viễn. Danh sách những người này do Ủy ban nhân dân làng hay khu phố ấn định.
3- Những người bị can án mà không được hưởng sắc lệnh đại xá của Chính phủ dân chủ cộng hoà.”
Điều 31 – Sắc lệnh 51 quy định: Mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được ủy quyền, cũng không được bầu bằng cách gửi thư.
Điều 36 – Sắc lệnh 51 quy định: Cử tri sẽ bầu bằng phiếu kín.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1946
Việc quy định những nguyên tắc dân chủ trong bầu cử giai đoạn này đã góp phần rất lớn vào thành công của cuộc Tổng tuyển cử ngày mùng 6/1/1946, bầu ra Quốc hội khóa I. Theo con số thống kê, 89% cử tri đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, dù hoàn cảnh đất nước thời điểm đó vẫn còn chiến tranh tại một số vùng, thế lực thù địch ra sức phá hoại thành quả của cách mạng, phá hoại cuộc Tổng tuyển cử, thông tin liên lạc hạn chế. Sau thành công của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, Quốc hội Việt Nam ra đời, Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cũng đã ghi nhận những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử ở Việt Nam mà trước đó được thông qua bởi sắc lệnh 51/1945. Đáng chú ý, Hiến pháp năm 1946 ghi nhận 04 nguyên tắc của bầu cử có những khác biệt so với giai đoạn sau, đó là: Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu, tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1980, nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 1959. Các nguyên tắc trực tiếp, phổ thông, bỏ phiếu kín vẫn tiếp tục được ghi nhận trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1959 và Pháp lệnh bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, cũng từ giai đoạn này trở đi, nguyên tắc bầu cử tự do được thay thế bằng nguyên tắc bình đẳng.
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Quốc hội khóa I bầu ra tại Kỳ họp thứ 2
Từ năm 1992 đến nay, nguyên tắc bầu cử được quy định tại Điều 7 Hiến pháp năm 1992 như sau: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.” Các nguyên tắc này cũng được cụ thể hóa trong Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội các năm 1992, 1997 (sửa đổi các năm 2001, 2007, 2010); Luật Bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các năm 1994, 2003.
Và gần đây nhất, Hiến pháp năm 2013 và Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015 tiếp tục giữ nguyên các nguyên tắc của bầu cử, gồm: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.”/.
Theo hoidongbaucu.quochoi.vn