Nhận thức rõ quy định của pháp luật về bình đẳng giới và vai trò của nữ đại biểu dân cử
07/05/2021Tại Hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và việc thúc đẩy bình đẳng giới” khu vực phía Bắc do Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Ban Công tác đại biểu tổ chức vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt đã có những chia sẻ cụ thể tới các nữ ứng cử viên tham dự về pháp luật bình đẳng giới và vai trò của nữ đại biểu dân cử.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt chia sẻ tại Hội thảo
Chia sẻ tại Hội thảo về pháp luật bình đẳng giới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt cho biết, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, bao gồm: Hiến pháp, các đạo luật, nghị quyết của Quốc hội, các văn bản dưới luật (pháp lệnh, nghị định, thông tư…), các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân…Mỗi một lĩnh vực nhất định sẽ do pháp luật chuyên ngành điều chỉnh như pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, đất đai, hôn nhân và gia đình… Tuy nhiên, bình đẳng giới không phải là một lĩnh vực, mà là một nội dung bao trùm và lồng ghép trong các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, pháp luật về bình đẳng giới hiểu theo nghĩa rộng bao hàm tất cả các quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Theo nghĩa hẹp, pháp luật về bình đẳng giới là tập hợp các VBQPPL điều chỉnh trực tiếp vấn đề bình đẳng giới.
Trong Hiến pháp, vấn đề bình đẳng giới là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm; được thể hiện qua những quy định rõ ràng và xuyên suốt trong các bản Hiến pháp cũng như trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Trong pháp luật chuyên ngành, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực ngày 01/7/2007. Luật bao gồm 44 điều được chia thành 6 chương với Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, Luật đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ về vấn đề bình đẳng giới. Luật ban hành ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2020 đã quy định một trong các nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL là bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong VBQPPL. Quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong toàn bộ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bằng các quy định cụ thể về trách nhiệm, nội dung, thủ tục, hồ sơ và được bắt đầu ngay từ khi lập đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Ngoài ra, thông qua việc thực hiện nghiêm túc quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như việc thay đổi nhận thức của các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan có liên quan thì trong nhiều luật chuyên ngành đã có những quy định cụ thể đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới.
Về vai trò của nữ đại biểu dân cử, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt chỉ ra rằng, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Cũng tại Chương II của Luật tổ chức Quốc hội đã có những quy định chi tiết về đại biểu Quốc hội (vị trí, vai trò, tiêu chuẩn, trách nhiệm…)
Toàn cảnh Hội thảo
Cùng chia sẻ tại buổi làm việc, các chuyên gia, các đại biểu tham dự cũng cho biết, là những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, trong thực tế với quá trình hoạt động tâm huyết, tích cực của mình các nữ đại biểu Quốc hội đã thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và sự tận tụy trong công việc và đã có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Đặc biệt trong quá trình tham gia hoạt động dân cử các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, các vấn đề về bình đẳng giới, các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho người dân… được các nữ đại biểu đặc biệt quan tâm. Rất nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp, kiến nghị vừa tâm huyết, vừa sắc sảo, vừa khoa học của nữ đại biểu với Quốc hội đã được tiếp thu, giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung.
Các đại biểu đã cung cấp thêm thông tin tới các nữ ứng cử viên tham dự Hội thảo, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nữ đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến góp ý chất lượng vào các dự án Luật. Đã có khoảng 27% lượt ý kiến phát biểu của nữ đại biểu Quốc hội góp ý vào các dự án Luật trong các phiên thảo luận tại Hội trường, cao hơn tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong Quốc hội. Cũng như các nước trên thế giới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội phát biểu về các dự án Luật thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội là khoảng 45%, ý kiến tham gia của nữ đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Du lịch là 57,14% và dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) là 53,57%. Trong khi đó, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án Luật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính đạt khoảng 25%, cao hơn so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Từ những chia sẻ trên, các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự Hội thảo đánh giá, pháp luật về bình đẳng giới có vai trò rất quan trọng; đồng thời, với tinh thần tham gia tích cực, có trách nhiệm của các nữ đại biểu dân cử trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới, đã làm thay đổi được nhận thức của các cấp chính quyền và xã hội về vấn đề này. Các vấn đề về bình đẳng giới ngày càng được quan tâm hơn; nhiều kiến nghị của nữ đại biểu đã được đưa vào các quy định pháp luật, giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới. Nhờ vậy, những chính sách được đưa ra thiết thực và gắn với cuộc sống của người dân hơn./.
Theo quochoi.vn