Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” được đánh giá là cuộc thi ứng dụng trực tuyến với giao diện khoa học, dễ sử dựng; bộ câu hỏi thi có nội dung phong phú, thiết thực và phù hợp với đa số người dân.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ được tổ chức vào ngày 23/5 tới đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Sân chơi tìm hiểu pháp luật trực tuyến bổ ích

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp xác định để tổ chức cuộc bầu cử thành công, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và thực hiện pháp luật về bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật và thực sự là ngày hội của toàn dân, góp phần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng bầu cử quốc gia về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” với mục đích tuyên truyền về cuộc bầu cử, giúp người dân tiếp cận và tìm hiểu kiến thức pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Do vậy, có thể nói, Cuộc thi là một điểm nhấn quan trọng trong đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) phục vụ Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Cuộc thi được tổ chức nhằm phổ biến, nâng cao hiểu biết về pháp luật, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Qua đó góp phần tích cực động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia, thể hiện quyền, nghĩa vụ công dân đối với hoạt động bầu cử. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sức lan tỏa lớn để thu hút người dân tham gia thi và góp phần tích cực động viên, khuyến khích các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, tham gia cuộc bầu cử.

Cuộc thi được diễn ra từ 00h00 ngày 01/4/2021 và kết thúc lúc 24h00 ngày 30/4/2021 vừa qua. Ngay từ những ngày đầu tiên diễn ra, Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân trên cả nước. Đặc biệt, một số địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tích cực vận động các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn tham gia Cuộc thi và đạt kết quả cao như: Hà Nội, Bắc Giang, Nghệ An, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ninh…

Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” được đánh giá là cuộc thi ứng dụng trực tuyến với giao diện khoa học, dễ sử dựng; bộ câu hỏi thi có nội dung phong phú, thiết thực và phù hợp với đa số người dân. Qua đánh giá, cuộc thi thực sự đã trở thành sân chơi tìm hiểu pháp luật trực tuyến bổ ích, giúp nâng cao ý thức tự giác tìm hiểu pháp luật, từ đó hình thành thói quen trong tìm hiểu pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, hướng tới xây dựng văn hóa trong tuân thủ pháp luật. Thông qua các đợt tổ chức, người dân đã bước đầu hình thành thói quen tự giác, quan tâm và chủ động tìm hiểu pháp luật khi tham gia Cuộc thi.

Công tác truyền thông – yếu tố quyết định thành công Cuộc thi

Trên cơ sở xác định công tác truyền thông về cuộc thi là nhiệm vụ quan trọng góp phần tổ chức Cuộc thi, do vậy đã được các đơn vị phối hợp thực hiện đồng bộ, tạo thành đợt cao điểm truyền thông, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa sâu rộng, huy động sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Ban Tổ chức đã tiến hành gửi thông tin phát động, hưởng ứng tham gia Cuộc thi đến các Sở Tư pháp, cơ quan pháp chế các bộ ngành và đông đảo các phương tiện thông tin đại chúng để phối hợp tuyên truyền, phát động thông tin hưởng ứng cuộc thi đến các cơ quan, tổ chức và người dân. Nhờ vậy đã tạo ra được chuỗi hoạt động truyền thông về cuộc thi có hiệu ứng lớn nhất thông qua việc đăng tải thông tin, truyền tải thông điệp về cuộc thi trên báo điện tử, báo giấy, trên kênh VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam… và trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các Sở Tư pháp, cơ quan, đơn vị, trường học thuộc nhiều địa phương trên cả nước…

Với việc công tác tổ chức, truyền thông giới thiệu rộng rãi về Cuộc thi năm nay được thực hiện tốt phần nào phản ánh tinh thần chủ động, tự giác tìm hiểu pháp luật và sự tích cực hưởng ứng Cuộc thi của người dân. Đây là tín hiệu đáng mừng đánh giá sự quan tâm và ý thức chủ động học tập, tìm hiểu kiến thức pháp luật của người dân trên cả nước, khuyến khích, phát huy tinh thần chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và hiện thực hoá mục tiêu đổi mới, đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, tiến tới chuyển đổi số trong thời gian tới.

Công tác phối hợp được thực hiện hiệu quả, chặt chẽ

Ban Tổ chức cuộc thi đã làm việc với tinh thần chủ động, nâng cao trách nhiệm phối hợp của các thành viên Ban Tổ chức từ khâu xây dựng kế hoạch, xây dựng bộ câu hỏi, tổ chức truyền thông về cuộc thi đến việc rà soát, chọn lọc và lựa chọn người đạt giải trên cơ sở kết quả dự thi. Trong đó, sự hiệu quả, chặt chẽ trong công tác phối hợp giữa các đơn vị trực tiếp tham gia Ban Tổ chức cuộc thi như Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã giúp tạo nên sản phẩm “make in Bộ Tư pháp” để tổ chức cuộc thi, trên tinh thần phát huy và tận dụng triệt để những công cụ, lợi thế cũng như khả năng của từng đơn vị.

Cục Công nghệ thông tin, với vai trò là đơn vị chủ trì bảo đảm kỹ thuật cho Cuộc thi đã chủ động thực hiện thiết kế giao diện Cuộc thi, xây dựng các chức năng của phần mềm, với giao diện khoa học, tiện ích, dễ sử dụng cho người tham gia dự thi. Đồng thời, Cục Công nghệ thông tin cũng bảo đảm về mặt hạ tầng kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin giúp cho Cuộc thi diễn ra thành công tốt đẹp. Bên cạnh đó, Cục đã phối hợp với Ban Tổ chức và các phương tiện truyền thông, báo chí để kịp thời đăng tải, cập nhật thông tin truyền thông về Cuộc thi…

Một số Cổng thông tin của các Bộ, ngành và nhiều trang báo điện tử lớn cũng đã đồng hành cùng Ban Tổ chức trong công tác truyền thông mạnh mẽ thông tin về Cuộc thi đến người dân như: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội; Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp; Trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử Quốc gia; Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; Trang thông tin điện tử Truyền hình Quốc hội Việt Nam; Báo Điện tử Đại biểu nhân dân và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử, Báo Hà Nội mới, Báo Dân trí, Báo Gia đình Việt Nam, Báo Pháp luật & xã hội, Báo Hà Nội mới…

Theo baophapluat.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *