Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV ngày 23-3, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hiện nay, danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội vẫn đang trong quá trình hiệp thương lần thứ ba trước khi công bố.

Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV ngày 23-3, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hiện nay, danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội vẫn đang trong quá trình hiệp thương lần thứ ba trước khi công bố.

Vì thế, những kiến nghị liên quan đến người ứng cử vẫn được Hội đồng Bầu cử quốc gia tiếp nhận, tiếp thu để có một Quốc hội khóa XV đổi mới, đáp ứng được yêu cầu của cử tri.

Trả lời câu hỏi về việc lựa chọn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đại biểu Quốc hội chuyên trách được chọn ra theo tiêu chuẩn rất chặt chẽ: Phải có quy hoạch từ Vụ trưởng trở lên. Đối với chuyên gia cũng yêu cầu lứa tuổi, trình độ và kinh nghiệm.

Sau hiệp thương vòng hai vừa qua cho thấy, đại biểu Quốc hội chuyên trách có trình độ, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư có 16 trên tổng số 205 người (chiếm 7,8%); trình độ Tiến sĩ là 63/205 người (chiếm 30,7%); Thạc sĩ là 94/205 người (chiếm 45,8%).

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại buổi họp báo (ảnh: VPQH)

Trả lời câu hỏi về ý kiến cho rằng, Quốc hội khoá XIV chưa huy động được nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, đặc biệt là ở vị trí đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội chuyên trách có những tiêu chuẩn riêng ngoài những tiêu chuẩn chung cho đại biểu Quốc hội, trong đó có tiêu chuẩn đặc biệt về tuổi và kinh nghiệm công tác.

Quy định về tuổi đối với đại biểu chuyên trách là áp dụng theo Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nam thêm 3 tháng và nữ thêm 4 tháng. Vì vậy, có những đại biểu được Ban Công tác đại biểu tham mưu cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để cùng Đảng đoàn Quốc hội có văn bản đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương để kiến nghị Bộ Chính trị xem xét đưa vào trường hợp chuyên gia hay trường hợp đặc biệt.

Bộ Chính trị đã có văn bản 174 và Ban Tổ chức Trung ương có văn bản 36 quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khoá XV. Để giải quyết các trường hợp chuyên gia và đại biểu đặc biệt phải thông qua các cơ quan chỉ đạo. Hai nhiệm kỳ Quốc hội gần đây đã tăng cường các chuyên viên, cán bộ viên chức có năng lực để tham gia các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV này cũng thực hiện như vậy.

Sau Hội nghị hiệp thương lần hai, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt tỉ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu.

Theo quy định, trên cơ sở danh sách giới thiệu của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành và dự kiến bố trí người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử do các địa phương gửi đến, Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước chậm nhất là ngày 27-4-2021 (25 ngày trước ngày bầu cử).

Theo phapluatxahoi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *