Sau lễ bế mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội có thể sẽ không một lần trở lại phòng họp Diên Hồng. Nhưng, nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIV chưa kết thúc.

Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, chứ không có nghĩa là kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV

Ở kỳ họp đang diễn ra, với hàng loạt báo cáo tổng kết nhiệm kỳ được đặt lên bàn nghị sự, với nhân sự cao nhất của Nhà nước được kiện toàn, một số vị đại biểu khi đăng đàn đã nhấn mạnh “thời khắc cuối cùng của nhiệm kỳ”. Và, người tiền nhiệm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phải lưu ý rằng, Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, chứ không có nghĩa là kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Sau kỳ họp cuối này, Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và các đại biểu Quốc hội khóa XIV còn tiếp tục làm việc cho tới khi bầu ra Quốc hội mới.

Quốc hội mới gồm những đại biểu nào sẽ do cử tri cả nước lựa chọn qua lá phiếu vào ngày 23/5/2021.

Thuộc về số ít trong 500 đại biểu khoá mới (nếu bầu đủ), sẽ là “những người cũ” – đại biểu tái cử. Đa số đại biểu Quốc hội đương nhiệm không tái cử, có những vị vẫn tiếp tục công tác ở cả Trung ương, địa phương, cũng có người được nghỉ hưu, vui thú điền viên.

Song, mọi đại biểu Quốc hội đều có trách nhiệm với những quyết định của mình trước lịch sử, chứ không phải chỉ trong nhiệm kỳ ngắn hạn.

Lý do là, tuổi thọ của đa số các đạo luật mà các vị đại biểu đã bấm nút thông qua nhiều hơn một nhiệm kỳ, những vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội quyết định cũng không thể gói gọn trong 5 năm. Và còn đó không ít kiến nghị của cử tri gửi đến các vị đại biểu Quốc hội đương nhiệm nhưng chưa được trả lời, hoặc trả lời chưa đúng, khiến cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị. Bởi thế, dù không tái cử, đại biểu Quốc hội cũng không thể “buông” trách nhiệm theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị của cử tri trong thời điểm giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội.

Đó là chưa kể những món “nợ” rất cụ thể mà khi thảo luận tại kỳ họp này, đại biểu nhấn mạnh rằng, Quốc hội cần sớm “trả nợ” cho cử tri, cho nhân dân, trong đó có việc sửa Luật Đất đai – một đạo luật mà những bất cập trong đó đang gây rất nhiều khó khăn cho người dân, cho doanh nghiệp.

Quốc hội khóa XIV đã bước đầu cho ý kiến về Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công 5 năm tới, nhưng việc bấm nút quyết định các con số cụ thể và giám sát thực hiện lại thuộc về Quốc hội khóa XV.

Quốc hội khóa XIV đã đồng ý chuyển nhiều dự án thành phần tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam từ hình thức đối tác công – tư (PPP) sang đầu tư công. Vậy, Quốc hội khóa XV sẽ giám sát thế nào, để từng đồng tiền thuế của dân được dùng đúng mục đích?

Trong khi Kỳ họp thứ 11 đang diễn ra, nhiều đại biểu đương nhiệm được giới thiệu tái cử cũng đã tiến hành lấy ý kiến cử tri nơi cư trú – một bước bắt buộc trong quá trình ứng cử đại biểu Quốc hội. Những ứng cử viên được giới thiệu lần đầu cũng phải trải qua bước này. Chương trình hành động của họ đều chứa đựng những lời hứa về công việc họ sẽ quan tâm thực hiện nếu được cử tri tín nhiệm bầu vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.

Song, bên cạnh việc thực hiện lời hứa của riêng mình, nhân dân còn đòi hỏi người đại diện cho mình tiếp tục thực hiện “lời hứa” của cả Quốc hội khóa trước, để giữ mạch nghị trường, để nối mạch nghị trường. Cao hơn, để “giữ lửa” nghị trường.

Quốc hội khóa XIV đã không xuôi chiều, không “chợ chiều” ở cả những phiên họp của kỳ họp cuối cùng. Nếu cử tri sáng suốt lựa chọn được những vị đại biểu đủ trí tuệ và bản lĩnh vào Quốc hội khóa mới, có thể đốt cháy giai đoạn làm quen, “thử việc” và nếu những “cử tri đặc biệt” – các vị đại biểu không tái cử – không quên trách nhiệm với những gì mình đã bấm nút, thì mạch nghị trường sẽ luôn thông suốt.

Đó là điều cử tri đòi hỏi và kỳ vọng vào những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình.

Theo baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *