Chính phủ kịp thời chỉ đạo triển khai chuẩn bị bầu cử đồng bộ với phòng chống, dịch bệnh COVID-19
18/05/2021Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 18/5, các đại biểu đã nghe trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả công tác chuẩn bị bầu cử.
Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả công tác chẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc triển khai của các bộ, ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết phiên họp chính phủ, Chỉ thị và phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đồng thời đã chỉ đạo các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác chuẩn bị bầu cử bảo đảm đúng tiến độ, đúng nội dung, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo của Chính phủ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp của Chính phủ và Thường trực Chính phủ kịp thời đưa vào các Nghị quyết của Chính phủ hoặc các kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đã chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương triển khai thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử đúng quy định của pháp luật, đồng bộ với các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Các bộ, ngành theo trách nhiệm được giao, đã ban hành các văn bản hướng dẫn về bầu cử; ban hành nhiều văn bản, công điện để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ công tác bầu cử; xây dựng kịch bản trong các tình huống phát sinh dịch bệnh Covid-19; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia để phối hợp kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của địa phương về các nội dung liên quan đến quy định của pháp luật về bầu cử.
Chủ động xây dựng kịch bản tổ chức bầu cử
Tại các địa phương, các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức bầu cử trên địa bàn. Ủy ban nhân dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban bầu cử cùng cấp để triển khai thực hiện chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống dịch Covid-19 và các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cuộc bầu cử.
Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương đã được thành lập đúng và đủ, theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Ủy ban nhân dân cấp xã đã tổ chức lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và niêm yết danh sách cử tri bảo đảm đúng thời hạn. Nhất là thời gian gần đây dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tại nhiều địa phương. Trong đó, đã chú ý rà soát những cử tri có đăng ký thường trú, tạm trú, cử tri đi lao động xa, cử tri ở các khu công nghiệp, cử tri là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề, những trường hợp không được tham gia bỏ phiếu… nhằm bảo đảm quyền bầu cử của công dân.
Uỷ ban nhân dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hội nghị hiệp thương đúng quy trình, thủ tục, thành phần, bảo đảm thời gian. Các văn bản của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được thực hiện nghiêm và đầy đủ trong quá trình tổ chức các bước hiệp thương. Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các địa phương đã thực hiện vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo.
Về công tác tuyên truyền về bầu cử, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hoạt động thông tin, tuyên truyền về bầu cử đã được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh nhiều đợt cao điểm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng và ý nghĩa cuộc bầu cử; về triển khai văn bản phòng chống dịch Covid-19 và tuyên truyền nội dung văn bản hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương; tổ chức cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Các báo, đài ở Trung ương và địa phương đã tập trung phản ánh không khí chuẩn bị cho cuộc bầu cử với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm thông tin, hướng dẫn, giải đáp về pháp luật bầu cử để giúp cử tri hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ trong cuộc bầu cử. Đồng thời kịp thời đấu tranh, phản bác những luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Về công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử, đến nay đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ. Lực lượng công an phối hợp với lực lượng quân đội có kế hoạch cụ thể không để bị động; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; tập trung nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn âm mưu phá hoại của các tổ chức, cá nhân phản động và phòng chống cháy, nổ trên địa bàn; mở các đợt cao điểm tăng cường thực hiện kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Các tổ chức phụ trách bầu cử đã giải quyết các kiến nghị, phản ánh về người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử theo quy định của pháp luật, chú trọng các vùng xung yếu, vùng sâu, vùng xa và các “điểm nóng” có thể xảy ra trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ căn cứ các văn bản của Hội đồng bầu cử quốc gia, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, các bộ ngành liên quan, các bệnh viện tuyến Trung ương, các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản với những phương án cụ thể và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhằm ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau ngày bầu cử để bảo đảm cho thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Qua báo cáo của các địa phương và qua các cuộc kiểm tra, giám sát cho thấy, công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất, địa điểm bỏ phiếu, con dấu của các tổ chức bầu cử, hòm phiếu, hòm phiêu phụ, in ấn, cấp phát tài liệu, thẻ cử tri, danh sách, tiểu sử những người ứng cử, phiếu bầu cử… được các địa phương chuẩn bị chu đáo, bàn giao cho các tổ chức phụ trách bầu cử theo đúng thời hạn quy định.
Kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc của địa phương để tổ chức bầu cử thành công
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuẩn bị bầu cử còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thống kê, rà soát, lập danh sách cử tri có biến động nhiều do nhiều cử tri đi làm ăn xa hoặc có người di cư từ nơi khác đến; cử tri ở các khu công nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề về nơi cư trú. Công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử tại một số địa phương, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng cao, vùng có nhiều đồng bào là dân tộc thiểu số, có cơ sở hạ tầng hạn chế nên còn gặp nhiều trở ngại. Tại một số nơi do địa bàn bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử. Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường ở một số địa phương sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tại nơi có vùng dịch.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị
Do đó Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay cho đến ngày bầu cử: Một là, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan liên quan theo dõi, cập nhật đầy đủ, sát với thực tế và kịp thời tổng hợp, báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ diễn biến tình hình. Đặc biệt, giải quyết, hướng dẫn kịp thời những vấn đề vướng mắc, khó khăn của địa phương khi triển khai các quy định về bầu cử trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bầu cử để cử tri hăng hái đi bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, gắn với việc nâng cao ý thức và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời chú trọng việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng.
Ba là, chủ động đối phó với các hành vi gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá cuộc bầu cử; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; tập trung nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn âm mưu phá hoại của các tổ chức, cá nhân phản động; ra quân mở các đợt cao điểm tăng cường thực hiện kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên toàn quốc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử. Xây dựng kế hoạch, phương án và tham gia phối hợp với các địa phương về phòng, chống Covid-19.
Bốn là, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19, hướng dẫn kịp thời, hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng phương án cụ thể đối với từng trường hợp xảy ra dịch Covid-19 trước, trong và sau ngày bầu cử, nhằm bảo đảm tốt nhất, an toàn nhất cho cuộc bầu cử. Trường hợp tại những địa bàn có dịch Covid-19 diễn biến khó lường, làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử thì kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định hoặc báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.
Năm là, Ủy ban nhân dân các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn của Trung ương liên quan đến công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác bầu cử; tập trung cao độ công tác phòng chống dịch Covid – 19 trên địa bàn. Đồng thời có phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể cho công tác bầu cử trong bối cảnh có dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, nhất là đối với các đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu thực hiện cách ly y tế do dịch bệnh phát sinh; lưu ý có phương án đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, phức tạp về tôn giáo; có phương án cụ thể phòng chống thiên tai, mưa lũ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác bầu cử; chỉ đạo các cơ quan quân đội, công an ở địa phương xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và tại các đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu, để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng pháp luật./.
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội