Cam kết của 4 lãnh đạo cấp cao trước cử tri
13/05/2021Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cam kết nếu trúng cử đại biểu Quốc hội sẽ thực sự là người đại diện cho nhân dân, thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, các ứng viên bắt đầu chương trình tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.
Lần lượt ứng cử tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, 4 lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước chia sẻ nhiều mục tiêu trong các chương trình hành động của mình.
Làm hết sức mình
Cùng với các ứng viên thuộc đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng để vận động bầu cử, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cam kết: “Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi sẽ cố gắng hết sức mình, làm những gì đã có trong chương trình hành động”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cam kết nếu trúng cử đại biểu Quốc hội sẽ luôn cố gắng, nỗ lực hết sức mình dù “tuổi đã cao và sức khỏe có hạn”. Ảnh: Phúc Quang.
Tổng bí thư khẳng định sẽ luôn cố gắng để xứng đáng là người con của Thủ đô anh hùng, của đất nước Việt Nam anh hùng; phấn đấu không ngừng để đóng góp xây dựng Thủ đô và đất nước.
“Năm qua tốt rồi thì năm nay phải tốt hơn, vì ‘đứng lại đã là tụt hậu’ nên triển vọng của chúng ta là phải đi lên”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Dù khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Tổng bí thư lưu ý tuyệt đối không vì thế mà chủ quan, tự mãn, nhất là trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Theo Tổng bí thư, cả hệ thống chính trị phải là một khối thống nhất dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng; cán bộ cấp trên phải gương mẫu, đại biểu Quốc hội phải xứng đáng là đại biểu của dân.
Đưa TP.HCM thành hình mẫu cả nước
Ứng cử tại TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra chương trình hành động nhiều điểm.
Với những vấn đề thiết thực liên quan kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, Chủ tịch nước cam kết thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thời gian, chi phí về thủ tục hành chính. Cùng với đó, ông quan tâm đến gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hứa thúc đẩy giải quyết các kiến nghị của người dân, nhất là những vấn đề về đời sống, hạ tầng giao thông, đô thị, môi trường. Ảnh: Y Kiện.
Chủ tịch nước cũng hứa thúc đẩy giải quyết kiến nghị của người dân, nhất là những vấn đề về đời sống, hạ tầng giao thông, đô thị, môi trường. Đồng thời, ông đề ra các biện pháp hữu hiệu hơn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sách nhiều người dân.
Là ứng viên của TP.HCM, Chủ tịch nước đề ra mục tiêu đưa thành phố trở thành hình mẫu của cả nước, có sức cạnh tranh trong khu vực về đổi mới sáng tạo và thu hút nhân tài.
Đặc biệt, Chủ tịch nước muốn thực hiện tốt hơn, nhanh hơn đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh); quyết tâm kết nối tuyến cao tốc này sớm nhất để thông thương quốc tế và trong nước.
“Cao tốc hoàn thành sớm sẽ giúp khai thác quỹ đất rộng lớn của hai địa phương này, góp phần chuyển đổi việc làm cho người dân”, Chủ tịch nước kỳ vọng.
Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long xứng với tiềm năng
Lần đầu tiên về ứng cử tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra nhiều mục tiêu phát triển địa phương này trong chương trình hành động của mình.
Phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long là nội dung được Thủ tướng nhấn mạnh đầu tiên. Theo ông, Chính phủ đã có Nghị quyết 120 với tinh thần cùng người dân Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng thể chế để phát triển khu vực này nhưng “chưa được bao nhiêu” so với tiềm năng, lợi thế nơi đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thuận Thắng.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có hơn 20 triệu dân với tiềm năng lớn về đất đai, con người, truyền thống lịch sử. Song, điểm mấu chốt là nơi đây còn thiếu cơ chế, chính sách để phát triển.
“Mỗi vùng kinh tế trọng điểm có tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh khác nhau. Phải đi lên từ cái này. Phải có thể chế, cơ chế chính sách”, Thủ tướng nêu quan điểm và nhấn mạnh tinh thần chủ động tiến công, không trông chờ, ỷ lại.
Chỉ ra 4 khó khăn Việt Nam phải đối mặt gồm tình trạng già hóa dân số đáng báo động; cạn kiệt tài nguyên; biến đổi khí hậu; an ninh truyền thống và phi truyền thống rất khó lường, Thủ tướng đồng thời nêu 3 trụ cột để khắc phục các khó khăn.
Trụ cột đầu tiên Thủ tướng đề cập là con người, cần phát huy giá trị của con người Việt Nam.
Thứ hai là phát huy giá trị của thiên nhiên, tận dụng tối đa nguồn lực đất, nước, không khí, rừng, biển. “Tài nguyên thiên nhiên của chúng ta có hạn. Làm thế nào để khai thác hiệu quả nhất”, Thủ tướng đặt ra bài toán.
Trụ cột thứ ba là phát huy giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử của Việt Nam
Tăng năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn
Là Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, ông Vương Đình Huệ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại TP Hải Phòng.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ việc ứng cử tại thành phố cảng cũng là nguyện vọng của ông. Trình bày chương trình hành động trước cử tri, ông cam kết luôn là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, làm tròn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; đồng thời, thu thập và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước; chú trọng giải quyết kịp thời, hiệu quả các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
“Nếu có bất cứ một đơn thư nào, tôi sẽ truy đến cùng”, ông Huệ cam kết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cam kết nếu có đơn thư cử tri gửi, ông sẽ truy đến cùng. Ảnh: Doãn Tấn.
Nếu được tiếp tục bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV, ông sẽ tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, phát huy dân chủ, sáng tạo, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội; nâng cao hiệu quả giám sát, đặc biệt, tăng cường giám sát những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc trong xã hội.
Ông Vương Đình Huệ hứa sẽ tăng cường năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, ông sẽ xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh chương trình hành động có hay đến mấy, quan trọng hơn cả là việc thực hiện.
“Nếu ngồi phòng lạnh để làm luật và nghị quyết thì sẽ không sát thực, không lắng nghe được người dân muốn gì, lắng nghe thực tiễn cuộc sống như thế nào”, ông nói
Theo Zing