Bầu cử QH&HĐND: Chuẩn bị kỹ lưỡng, nâng cao chất lượng hiệp thương lần hai
02/03/2021Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã được Quốc hội quyết định vào Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bảo đảm dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm
Để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử, ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm. Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đã đề ra.
Bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước
Tính đến ngày 14/1, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Để triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã ban hành Kế hoạch 42/KH-HĐBCQG, nêu rõ 16 mốc thời gian quan trọng trong kỳ bầu cử.
Cụ thể: Chậm nhất 7/2/2021: Thành lập ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố; Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã (105 ngày trước khi bầu cử). Từ ngày 22 – 27/2: Các địa phương gửi dự kiến danh sách đơn vị bầu cử ở địa phương mình về Hội đồng bầu cử quốc gia (85 – 90 ngày trước ngày bầu cử).
Chậm nhất ngày 4/3/2021: Công bố số đơn vị bầu cử; danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu Quốc hội dự kiến ở mỗi đơn vị bầu cử; công bố số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã; danh sách các đơn vị bầu cử; số lượng đại biểu dự kiến được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử (80 ngày trước ngày bầu cử).
Chậm nhất ngày 14/3/2021: Thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; Thành lập Ban Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã (70 ngày trước bầu cử). Chậm nhất 17 giờ ngày 14/3/2021: Kết thúc việc tiếp nhận, xem xét hồ sơ người ứng cử (70 ngày trước bầu cử). Chậm nhất ngày 19/3/2021: Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 (65 ngày trước bầu cử). Chậm nhất ngày 3/4/2021: Thành lập tổ bầu cử (50 ngày trước bầu cử).
Chậm nhất ngày 13/4/2021: Niêm yết danh sách cử tri (40 ngày trước bầu cử). Chậm nhất 18/4/2021: Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 (35 ngày trước bầu cử). Chậm nhất ngày 28/4/2021: Lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (25 ngày trước bầu cử). Ngày 13/5/2021: Ngưng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử (10 ngày trước bầu cử). Ngày 22/5/2021: Kết thúc vận động bầu cử (trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ).
Ngày 23/5/2021: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chậm nhất ngày 2/6/2021: Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (10 ngày sau bầu cử).
Chậm nhất ngày 12/6/2021: Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội (20 ngày sau bầu cử).
Lựa chọn những đại biểu thật sự xứng đáng
Thông báo Kết luận số 174-TB/TW của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 (Kết luận số 174) nêu rõ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp phải là những người trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngoài tiêu chuẩn chung, Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 đã quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu HĐND chuyên trách.
Điểm mới bổ sung lần này là người giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên; ở địa phương phải là các chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên.
Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45-CT/TW, Hướng dẫn 36 đã bổ sung, hoàn thiện thêm nội dung về quy trình nhân sự theo hướng, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thực hiện theo quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; quy trình, thủ tục, hồ sơ cụ thể thực hiện theo quy định của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đối với nhân sự là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, việc giới thiệu ứng cử phải thực hiện theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước. Đối với người ngoài Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.
Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác bầu cử, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào ngày 21/1. Hội nghị nhằm quán triệt và triển khai các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, kế hoạch triển khai, các thông báo, hướng dẫn về công tác bầu cử.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị quan trọng này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, là dịp để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tiếp đó, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Tại hội nghị này, nhiều điểm mới trong công tác bầu cử đã được đại diện các bộ, ngành thông tin, đặc biệt là tổ chức hội nghị hiệp thương trong vùng có dịch COVID-19, thực hiện quyền bầu cử của cử tri ở các khu vực cách ly… Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 54/HD-MTTW-BTT về tổ chức các hội nghị trong quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và việc vận động bầu cử tại các địa phương có dịch COVID-19.
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất: Dân chủ, đúng luật
Diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, đồng thời trùng vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhiều địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện các công việc về bầu cử. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở trung ương và địa phương đã diễn ra dân chủ, đúng luật, đúng thời gian quy định. Kết quả hiệp thương lần thứ nhất cho thấy những kết quả tích cực bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng các vòng hiệp thương tiếp theo.
Diễn ra từ ngày 3/2, đến hết ngày 17/2, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tại nhiều hội nghị hiệp thương đã thể hiện không khí thực sự dân chủ trong việc đóng góp các ý kiến đối với bản dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Thường trực Hội đồng nhân dân; về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất và điều kiện tham gia của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua hiệp thương lần thứ nhất, tổng số người phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.076 người, đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu. Tỷ lệ này của kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV là 2,04 lần; Quốc hội khóa XIII là 2,20 lần.
Về số lượng người được giới thiệu ứng cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là 7.656 người/trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.715 đại biểu; đạt tỷ lệ bình quân là 2,06 lần trên số đại biểu được bầu. Tỷ lệ này của cuộc bầu cử năm 2016 là 1,66 lần; năm 2011 là 2,02 lần.
Trong số 7.656 người được phân bổ giới thiệu ứng cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có 1.690 người ứng cử là phụ nữ (22,1%), 748 người dân tộc thiểu số ứng cử (9,8%), 814 người trẻ tuổi ứng cử (10,6%), 555 người ứng cử ngoài Đảng (7,2%)…
Tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng hiệp thương lần 2
Trên cơ sở kết quả hiệp thương lần thứ nhất, các hoạt động tiếp theo cho hội nghị hiệp thương thứ hai đang được Mặt trận Tổ quốc các cấp khẩn trương tiến hành, bảo đảm dân chủ, đúng luật và chất lượng.
Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác bầu cử Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, để chuẩn bị cho hiệp thương lần thứ hai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương tổ chức giới thiệu đại biểu của cơ quan, đơn vị mình; tổ chức hội nghị cử tri tại cơ quan, đơn vị để xem xét hồ sơ của các đại biểu ứng cử, báo cáo tại hội nghị hiệp thương lần hai; trên cơ sở xem xét hồ sơ, lựa chọn các đại biểu đủ tiêu chuẩn và ưu tú nhất.
Để lựa chọn được những người có đức, có tài, quy định mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải được sự đồng ý của trên 50% cử tri nơi cư trú.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, trong quy trình lựa chọn, sự tín nhiệm của cử tri là thước đo rất quan trọng về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Do đó, tại Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ lần này, trong nội dung về quy trình lựa chọn, sàng lọc, đã rất chú ý đến yếu tố tín nhiệm. Nếu ở địa bàn, cá nhân đó không có tín nhiệm, ở nơi công tác cũng thế thì ngay bước sàng lọc đầu tiên sẽ không đưa vào.
Theo kế hoạch, đến 17h ngày 14/3 sẽ kết thúc việc tiếp nhận, xem xét hồ sơ người ứng cử và 5 ngày sau (ngày 19/3) sẽ tiến hành hội nghị hiệp thương lần hai.
Hiện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để các hoạt động này diễn ra đúng luật định. Việc kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương, qua đó phát hiện khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử để hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân.
Nhấn mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát bầu cử phải được tiến hành kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng nội dung, tiến độ theo kế hoạch, ông Hầu A Lềnh yêu cầu: Trong quá trình kiểm tra, giám sát, tổ chức Mặt trận các cấp cần bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bầu cử; bám sát các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Việt Nam và cơ quan, tổ chức liên quan. Nếu phát hiện những việc làm chưa đúng quy định hay hành vi vi phạm pháp luật, Mặt trận các cấp phải thông tin, phản ánh, kiến nghị kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết, khắc phục ngay; không tự ý xử lý những vấn đề không thuộc thẩm quyền và chức năng của cơ quan Mặt trận các cấp.
Theo TTXVN