TS. Đào Ngọc Báu, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết về bốn điểm mới trong bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngày 23/5 tới, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản pháp luật liên quan, cuộc bầu cử lần này có một số điểm mới nổi bật.

Vấn đề quốc tịch

Pháp luật quy định đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và không trong thời gian thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch quốc gia khác.

Như vậy, người nước ngoài, người có quốc tịch Việt Nam nhưng đồng thời có quốc tịch của quốc gia khác, hoặc người Việt Nam có nguyện vọng và đang làm thủ tục xin gia nhập quốc tịch quốc gia khác thì không đủ tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Các ứng cử viên phải khai rõ nội dung này trong hồ sơ ứng cử và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính chính xác của những thông tin đó.

Đây là quy định bắt buộc để tránh xảy ra trường hợp vi phạm yêu cầu về quốc tịch như đã thấy trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV.

Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, người đồng thời có quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Cộng hoà Malta. Ngay sau khi cuộc bầu cử diễn ra tháng 5/2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của bà Hường.

Hoặc trường hợp ông Phạm Phú Quốc, ngoài quốc tịch Việt Nam còn có quốc tịch Cộng hoà Cyprus và đã bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội năm 2020.

Độ tuổi tham gia bầu cử và ứng cử

Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy định độ tuổi tối thiểu có quyền bầu cử và ứng cử của công dân lần lượt là đủ 18 tuổi và đủ 21 tuổi.

Nếu đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức, thì áp dụng quy định về độ tuổi tối đa.

Lý do là vì công tác của đại biểu chuyên trách được xem là hoạt động nghề nghiệp nên cần áp dụng độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Khoản 2, Điều 169 Bộ luật này quy định: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ”.

Trên cơ sở quy định này, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, trong đó chỉ rõ:

Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử đại biểu Quốc hội phải đủ tuổi tham gia 2 khoá hoặc ít nhất tròn 1 khoá (đối với Hội đồng Nhân dân là 2 nhiệm kỳ hoặc ít nhất tròn 1 nhiệm kỳ). Điều đó có nghĩa là ứng viên nam sinh từ tháng 2/1966, ứng viên nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách và nhân sự chuyên trách của Hội đồng Nhân dân tái cử (trừ các đồng chí uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội) thì phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng trở lên) tính đến tháng 5/2021, có nghĩa là để đáp ứng yêu cầu này thì nam sinh từ 8/1963, nữ sinh từ 7/1968 trở lại đây.

Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân là cán bộ quân đội, công an thì thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và Luật Công an Nhân dân.

Trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận 58-KL/TW của Ban Bí thư thì do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân là cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Công văn số 12278-CV/VPTW và Nghị định số 53/2015/NĐ-CP được tính tuổi công tác như nam, tức là người ứng cử lần đầu sinh từ tháng 1/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây.

Người không đủ tuổi tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, bố trí công tác phù hợp hoặc giữ nguyên một số chế độ, chờ đủ tuổi nghỉ hưu. Người có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi thì giải quyết theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương khi đến tuổi nghỉ hưu được giữ chức vụ công tác đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV; đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương khi đến tuổi nghỉ hưu thì thôi giữ các chức vụ và tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đến hết nhiệm kỳ.

Cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), số đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng 5% (từ 35% lên 40%), như vậy sẽ có khoảng 200 đại biểu Quốc hội chuyên trách trên tổng số 500 đại biểu được bầu.

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp sẽ giảm như sau: cấp xã giảm 4 đến 6 đại biểu, cấp huyện giảm 5 đại biểu, cấp tỉnh giảm 10 đại biểu; thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh giảm 10 đại biểu từ 105 xuống còn 95 đại biểu.

Bên cạnh đó, cơ cấu của Thường trực Hội đồng Nhân dân và số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách cũng có sự thay đổi:

Đối với cấp tỉnh: Thường trực Hội đồng Nhân dân gồm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.

Như vậy, trong cơ cấu của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh không có chức danh Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân.

Trường hợp Chủ tịch Hội đồng Nhân dân là đại biểu chuyên trách thì có 1 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng Nhân dân là đại biểu không chuyên trách thì có 2 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân.

Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách.

Đối với cấp huyện: Thường trực Hội đồng Nhân dân cấp huyện gồm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng Nhân dân cấp huyện.

Đối với cấp xã: Thường trực Hội đồng Nhân dân cấp xã gồm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, 1 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng Nhân dân cấp xã.

Công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, vì vậy, có thể nói đây là lần bầu cử đặc biệt, diễn ra trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, Nhà nước và nhân dân cùng nỗ lực hết sức để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa thực hiện tốt các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội.

Chúng ta tin tưởng rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, chắc chắn cuộc bầu cử lần này sẽ thành công tốt đẹp, góp phần đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới.

Theo baoquocte.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *