Các bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra trên tinh thần triển khai nhiệm vụ một cách đồng bộ, toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có mục tiêu cụ thể, rõ ràng.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2016 theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu nói trên trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016 diễn ra sáng nay (29/1).

Ứng phó thời tiết bất lợi, đáp ứng hàng hóa, bảo đảm an ninh, an toàn dịp Tết

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đề cập đến nhiều giải pháp nhằm khẩn trương triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục tập trung và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, nhất là ở các vùng núi phía bắc; việc tăng cường các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bảo đảm cho người dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, hiệu quả; chăm lo cho nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào vùng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đồng bào vùng biên giới, hải đảo… cũng là những nội dung lớn được các thành viên Chính phủ đề cập tại phiên họp.

Về cân đối cung cầu hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố tăng cường công tác chuẩn bị, nhất là chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá.

Theo số liệu chưa đầy đủ, đến hết 31/12/2015 đã có 48 tỉnh, thành phố có các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp thương mại dự trữ nguồn hàng, bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh trong dịp Tết.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bên cạnh bảo đảm tốt cung cầu hàng hóa trong dịp Tết, các bộ, ngành, địa phương cần hết sức lưu ý đến các biện pháp tăng cường quản lý giá cả, thị trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hàng vi buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái, găm hàng gây sốt giá, trục lợi bất chính.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các cơ quan chức năng trong dịp Tết cần tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, trấn áp các loại hình tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân vui xuân đón tết an toàn; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, tổ chức hoạt động lễ hội đầu xuân, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục…

Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, nhất là đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của các tỉnh phía Bắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, tìm ra các phương thức sản xuất mới cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để chủ động hơn trong chống rét, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Triển khai nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tháng 1/2016 đã diễn ra sự kiện hết sức quan trọng của đất nước là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Đại hội đã thành công tốt đẹp.

Trong tháng 1, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung giao kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư và dự toán ngân sách Nhà nước; đề ra chương trình hành động triển khai thực hiện kế hoạch.

Bên cạnh những thuận lợi cũng như những kết quả tích cực đạt được, tình hình cũng có những khó khăn nhất định, trong đó nổi lên là giá dầu thế giới giảm mạnh, kinh tế thế giới phục hồi chậm, thiếu vững chắc và tăng trưởng thấp; những diễn biến phức tạp ở Biển Đông.

“Trong điều kiện đất nước ta đã hội nhập sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế thì tất cả những khó khăn, diễn biến tình hình như trên đều tức thì tác động đến nền kinh tế. Vì vậy, các đồng chí phải hết sức lưu ý, theo dõi chặt chẽ để quan tâm chỉ đạo, chủ động có những phản ứng chính sách, xử lý kịp thời”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Đề cập tới nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra trên tinh thần triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có mục tiêu cụ thể, rõ ràng.

Trong kinh tế, cần hết sức quan tâm kiểm soát tốt lạm phát, giá cả; không ngừng củng cố và tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô. Đi liền với mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, phải kiểm soát chặt chẽ nhập siêu, giữ mức nhập siêu theo như chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách.

Liên quan đến sản xuất kinh doanh, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân thi công các dự án, công trình… Riêng trong vấn đề nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải hết sức quan tâm hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả của đợt rét đậm, rét hại vừa qua; hỗ trợ, giúp đồng bào khôi khục lại sản xuất, khôi phục lại đàn gia súc bị chết rét; đề nghị Bộ Tài chính ứng ngân sách cho các tỉnh hỗ trợ đồng bào trên tinh thần chính sách, định mức đã có; đồng thời yêu cầu ngân hàng quan tâm hỗ trợ tín dụng, cho người dân vay vốn, sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai. 

Trước tình hình hạn hán, tình trạng xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu bộ, ngành hữu quan sớm xây dựng để trình ban hành một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ với các giải pháp, biện pháp hiệu quả trong ứng phó, các chính sách hỗ trợ đồng bào kịp thời khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác hội nhập, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế; chuẩn bị tốt các điều kiện cho hội nhập, tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết với các đối tác lớn mang lại.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Thúc đẩy hơn nữa sự nghiệp phát triển y tế, văn hóa, giáo dục.

Sớm công bố kế hoạch thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, tiếp tục thực hiện đổi mới thi cử theo đúng chủ trương của Trung ương và trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị, tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho phụ huynh, học sinh trong thi tuyển song vẫn phải bảo đảm chất lượng, giảm chi phí, ít tốn kém cho Nhà nước và nhân dân.

Chăm lo chu đáo cho nhân dân đón Tết Bính Thân

Một nhiệm vụ lớn nữa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là Tết Nguyên đán đã đến gần, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm chăm lo Tết cho nhân dân; bảo đảm tốt cân đối cung cầu, chất lượng hàng hóa, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát tốt thị trường giá cả; thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Trong chăm lo Tết cho nhân dân, cần hết sức lưu ý đến các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa… bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh; tiết kiệm, người người có Tết, nhà nhà có Tết.

Ngành giao thông phải bảo đảm vấn đề về phương tiện đi lại cho nhân dân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp về quê ăn Tết; không để xảy ra tình trạng thiếu phương tiện đi lại dẫn đến tình trạng xô đẩy, chen lấn ở các bến tàu, bến xe; kiểm soát tốt giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe. 

Ngành công an bố trí, bảo đảm chế độ ứng trực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ trong dịp Tết. Thực hiện hiệu quả công tác phòng chống cháy nổ. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phải giảm được số người bị thương, số người bị chết do tai nạn giao thông trong dịp Tết Bính Thân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý sau Tết là mùa lễ hội, rút kinh nghiệm từ các mùa lễ hội đầu các năm trước, cần tiếp tục tăng cường, kiểm soát tốt hoạt động tổ chức lễ hội; chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động tổ chức lễ hội.

Nguồn: Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *