Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém với mục tiêu tạo mọi thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, của sản phẩm và nền kinh tế Việt Nam.

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh đại diện các quốc gia, đối tác phát triển, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tới dự Diễn đàn với chủ đề hết sức thiết thực, phù hợp với mong muốn của cả doanh nghiệp và Chính phủ là “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”.

Trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các khuyến nghị, kiến nghị của các đại biểu tại diễn đàn và yêu cầu các Bộ trưởng theo lĩnh vực quản lý của mình để có những xử lý, giải quyết cụ thể.

Thủ tướng nhấn mạnh: Vấn đề gì thuộc về Bộ thì Bộ phải xử lý cụ thể. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì trình Thủ tướng quyết định; vấn đề gì thuộc về Chính phủ thì trình Chính phủ quyết định; còn vấn đề gì thuộc về luật pháp thì Chính phủ sẽ cân nhắc, xem xét để trình Quốc hội quyết định với tinh thần là tạo mọi thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn cũng như để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm, của nền kinh tế Việt Nam.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chia sẻ nhiều thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam; khẳng định trong 5 tháng đầu năm 2015, tình hình tiếp tục có những chuyển biến tích cực, phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn so với những tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, vững chắc hơn nữa.

Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực phát huy những kết quả đạt được; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thành công, phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Tiếp tục quản lý, điều hành để bảo đảm tăng cường tính ổn định của kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát tốt hơn, đảm bảo lạm phát không quá 5%, không chỉ cho năm 2015 mà còn cho những năm sau; điều hành lãi suất, tỷ giá theo tín hiệu thị trường, phù hợp với tín hiệu thị trường; tăng dự trữ ngoại tệ, bảo đảm ít nhất 12 tuần nhập khẩu; bảo đảm bội chi năm 2015 là 5% và 5 năm tới (2016-2020) sẽ thấp hơn mức 5%.

Cùng với đó là bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, gắn với tái cơ cấu đầu tư công, bảo đảm hiệu quả của đầu tư công. Đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 10-15%; nhập siêu không quá 5%.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước có thêm thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đạt được tăng trưởng kinh tế ở cả 3 khu vực là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Phấn đấu năm 2015 tăng trưởng đạt 6,2%, gắn liền với tăng trưởng là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tái cơ cấu kinh tế phải đạt được mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu đầu tư công để đầu tư hiệu quả hơn; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; tái cơ cấu ngân hàng để ngân hàng hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, lành mạnh, để đến 2016 không còn ngân hàng yếu kém và đưa nợ xấu xuống mức còn 3% – mức thông thường trong hoạt động kinh tế thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh Chính phủ đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo không gian phát triển rộng lớn hơn cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Việt Nam vừa ký các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU), đang thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết WTO  và các Hiệp định đã ký kết, trong đó có 6 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn.

Việt Nam cùng các nước thành viên phấn đấu hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015; đã thống nhất định hướng kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ ký kết FTA Việt Nam – EU vào cuối năm 2015; sắp hoàn thành việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Với triển vọng hoàn tất 14 FTA trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác phát triển rộng lớn trong tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục tập trung mạnh vào thực hiện 3 đột phá chiến lược là cải cách thể chế, huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho các nhu cầu phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, cùng với nỗ lực của mình, Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các đối tác phát triển, của cả cộng đồng doanh nghiệp vì lợi ích và sự phát triển chung.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung phát biểu tham luận, thảo luận vào các nội dung chính là: Tổng quan môi trường kinh doanh; thương mại, du lịch và đầu tư – vấn đề vướng mắc trong thực thi các quy định mới về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; Ngân hàng và thị trường vốn; yêu cầu đối với việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP; tăng cường hạ tầng cảng và nhu cầu về điện năng theo quy hoạch điện VII.

Lãnh đạo các cơ quan Chính phủ đã trao đổi, giải đáp, phản hồi về những vấn đề mà các đối tác phát triển, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế quan tâm.

Nguồn: Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *