Theo ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, để phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (gồm thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, An Giang và Kiên Giang) cần phải xem xét trong bối cảnh liên kết chung của toàn vùng trên cơ sở phát triển hệ thống các đô thị trung tâm làm động lực phát triển toàn vùng. 

 

Thành phố Cần Thơ đã được đầu tư hàng trăm triệu USD để nâng cấp đô thị. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

 

 

Qua gần 6 năm thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2009, đến nay bước đầu đã hình thành các vùng và hành lang phát triển không gian theo quy hoạch được duyệt; các vùng đô thị trung tâm, vùng phụ cận, vùng đối trọng cũng đã được hình thành. 

Các hành lang phát triển không gian đô thị đã được xác lập như hành lang Tây sông Hậu, hành lang Tây sông Tiền và sông Cổ Chiên, hành lang Đông sông Tiền, hành lang đô thị ven biển Tây, hành lang Quốc lộ 1 từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau. 

Các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung cấp vùng đã được quan tâm đầu tư như hệ thống giao thông huyết mạch, các trục dọc, trục ngang, cầu vượt sông lớn, cảng hàng không, cảng biển… đã hình thành mạng lưới giao thông rộng khắp, vừa liên kết nội vùng vừa liên kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng trên cả nước. 

Đặc biệt, đô thị trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long là thành phố Cần Thơ trong thời gian qua cũng được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại thông qua các dự án nâng cấp độ thị bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của địa phương. 

Đến nay, đã có hàng trăm triệu USD đã và đang được đầu tư tại thành phố Cần Thơ để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước đưa thành phố trở thành trung tâm động lực của cả vùng.

Nhiều dự án phát triển khu đô thị mới, các trung tâm thương mại, các công trình kiến trúc… được đầu tư mới ở trung tâm nhiều tỉnh, thành trong khu vực từng bước đã làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh hiện đại, chất lượng dịch vụ đô thị được cải thiện, đời sống nhân dân đô thị ngày càng được nâng cao. 

Các đô thị trung tâm cũng là nơi tập trung nhiều các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là nơi sản xuất, phân phối hàng hóa cho cả khu vực. 

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã có 161 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương, 17 đô thị loại II và III, 22 đô thị loại IV. Từ năm 2009 đến nay đã có 5 đô thị được thẩm định, nâng loại lên đô thị loại II, 3 đô thị nâng lên loại III và 18 đô thị nâng lên loại IV. Phân bố đô thị tương đối đồng đều gắn với các hành lang giao thông thủy, bộ. 

Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 26,4%. Tốc độ tăng dân số hàng năm tại các đô thị vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn tốc độ tăng dân số bình quân của các đô thị trong vùng và cao hơn bình quân chung của cả nước./.

Nguồn: NGỌC THIỆN (TTXVN/VIETNAM+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *