Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo đảm tính mỹ thuật, tầm vóc và nhân cách ngời sáng của Người.

Phối cảnh Tượng đài Bác Hồ với phố đi bộ Nguyễn Huệ trước trụ sở UBND – HĐND TP HCM

 

Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho biết Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt nhân kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 125 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu, 104 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước. Tượng đài được đặt trước trụ sở UBND – HĐND TP vào sáng 20-4.

Hàng ngàn lượt người góp ý cho phác thảo

Theo ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, sau khi thảo luận kỹ trong nhiều cuộc họp, đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được thống nhất. Sau đó, TP tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu Tượng đài Bác Hồ. Từ 32 mẫu của 24 tác giả và 1 đơn vị, cuối năm 2013, TP đã tổ chức trưng bày và lấy ý kiến người dân về các phác thảo này. Gần 160 đoàn với hơn 4.200 lượt người xem và hơn 3.000 phiếu góp ý cho các mẫu tượng. “Trước đó, để có phác thảo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy đã tổ chức cho các nhóm nghiên cứu, nhà điêu khắc vào lăng viếng Bác, thăm khu di tích K9, khu di tích nhà sàn. Từ những trải nghiệm thực tế, các tác giả mới có cảm nhận chân thật về vóc dáng, chân dung, hình thái… để xây dựng tượng đài bảo đảm tính mỹ thuật, tầm vóc và nhân cách ngời sáng của Người” – ông Đua cho hay.

Để lựa chọn được tác phẩm tương xứng với nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy đã nghiêm túc lắng nghe ý kiến của các nguyên lãnh đạo từ trung ương đến  địa phương; các nhà khoa học. TP thành lập hội đồng nghệ thuật để chọn mẫu tượng đài thích hợp. Cuối cùng, TP đã chọn mẫu tượng đài của tác giả Lâm Quang Nới. Đây là tác phẩm toát lên sự thanh cao, cốt cách giản dị, trìu mến, gần gũi với nhân dân của Bác Hồ; bảo đảm yêu cầu mỹ thuật, thể hiện được thần thái, tầm vóc vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, đáp ứng nhu cầu tình cảm của người dân trong nước và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận, tượng Bác được đặt ở vị trí trang trọng, hướng ra cảng Sài Gòn, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước, trong không gian kiến trúc hài hòa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tổ chức các sự kiện chính trị. Hai bên tượng bố trí hàng cây xanh, có chiều cao hợp lý để làm nổi bật tượng; hệ thống ánh sáng và chiếu sáng nghệ thuật trong khuôn viên tượng đài sẽ bảo đảm không gian trang trọng và đẹp để người dân và du khách chiêm ngưỡng.

Nét riêng của thành phố

Sau khi chọn mẫu tượng Bác, UBND TP đã quyết định giao phần việc đúc tượng cho cơ sở đúc đồng Phương Nam (quận Thủ Đức). Ông Phạm Văn Hai, chủ cơ sở Phương Nam, cho biết để hoàn thành tượng đúng tiến độ, công nhân phải tăng ca liên tục. “Tuy vất vả nhưng chúng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào khi được TP tín nhiệm, giao trọng trách đúc Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh” – ông Hai xúc động. Anh Dương Tiến Thành, công nhân tại cơ sở Phương Nam, bày tỏ: “Làm nghề đúc đồng hơn 30 năm nhưng lần này, tự tay đúc tượng Bác, tôi thấy thiêng liêng và hãnh diện vô cùng. Tôi luôn cố gắng làm thật tốt từng chi tiết để tượng hoàn thành đúng thời gian và bảo đảm tính mỹ thuật”.

Đối với nhà điêu khắc Lâm Quang Nới, ông cũng vinh dự và tự hào không kém khi thiết kế của mình được chọn. Bước chân vào nghệ thuật điêu khắc từ năm 13 tuổi, đến nay, ông là tác giả của hơn 40 công trình tượng đài được đặt ở nhiều tỉnh, thành. Với ông, mỗi tác phẩm là kết quả của lòng yêu nghề, sự tìm tòi, nghiên cứu lịch sử dân tộc và cả những trải nghiệm của một người lính đã đi qua cuộc chiến. “Để hoàn thành thiết kế Tượng đài Bác Hồ, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu. Từ những câu chuyện nhỏ đến tiếp xúc những nhân chứng được gặp Bác đã giúp tôi có thêm cảm xúc để thể hiện tượng đài vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc” – ông Nới tâm sự.

Chung niềm tự hào đó, Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm đánh giá Tượng đài Bác Hồ lần này là một nét riêng mà chỉ TP mới có. “Tượng Bác không chỉ thể hiện Người là anh hùng dân tộc Việt Nam mà còn là danh nhân văn hóa thế giới. Điều mà những tượng Bác ở các tỉnh, thành khác chưa làm được” – ông Lắm phân tích.

Vĩnh cửu với thời gian

Tượng đài Bác Hồ cao 7,2 m, trong đó thân tượng cao 4,5 m, phần đế 0,9 m và phần đài 1,8 m. Tượng sử dụng chất liệu hợp kim đồng, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao, tồn tại vĩnh cửu với thời gian, màu sắc trang nhã phù hợp với cảnh quan. Chân đế tượng đài sử dụng khối đá tảng đẹp, màu đen, bền chắc.

Nguồn: Phan Anh ( Người lao động )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *