Cầu Cần Thơ đã nối liền hai bờ sông Hậu, bến phà Cần Thơ không còn hoạt động nữa. Theo đó, xóm bắp nấu ở Bình Minh tưởng chừng sẽ gặp khó khăn, đơn độc nhưng khi tiếp cận với xóm bắp Bình Minh, chúng tôi lại thấy, xóm nghề truyền thống này tuy không sôi động như trước, nhưng vẫn được gìn giữ và phát triển.
Bắp có thể chế biến thành nhiều món ngon như bắp nấu, bắp nướng, bắp rang, bắp chiên hay xôi bắp, súp bắp và chè bắp… nhưng phổ biến nhất vẫn là bắp nấu. Đến huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, ăn bưởi Năm Roi, nghe hát vọng cổ mà không thưởng thức một trái bắp nấu Bình Minh thì nghĩ cũng tiếc.
Men theo con đường xuống bến phà cũ Cần Thơ, phía tỉnh Vĩnh Long, rẽ vào một con hẽm nhỏ là đến xóm bắp. Xóm bắp này nằm cặp sông Hậu, thuộc Khóm 5, Thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh. Bên những lối đi chật hẹp ở xóm này, cách một vài nhà lại có một cái bếp đặt ở khoảng đất trống bên đường với những cái thùng tôn đựng bắp to lớn, khói và hơi nước bốc lên mù mịt.
Những người chuyên "lái bắp" ở xóm nghề này cho biết, trái bắp Bình Minh trở thành món ngon danh tiếng ở Bắc Cần Thơ đã lâu, ngay từ khi bến phà Cần Thơ băng ngang sông Hậu hình thành. Thấy giống bắp tốt, dân địa phương nhân giống ra trồng cặp theo sông Hậu. Rồi sau đó, cây bắp bén rễ ra các xã Bắc Quốc lộ 1A. Khách thập phương qua phà, dừng chân ghé lại mua bắp Bình Minh ăn rồi khen ngon vì trái bắp no tròn, vỏ xanh, hạt bắp vàng ngà, ngọt thơm và rất dẻo.
Thị trấn Cái Vồn có 9 khóm, trong đó, Khóm 5 có gần 300 hộ trong tổng số 415 hộ chuyên sống bằng nghề nấu bắp. Hiện, xóm bắp này tập trung lại ở 2 điểm nấu bắp với qui mô mô lớn, mỗi điểm có hàng trăm hộ. Một điểm nằm bên phía bờ Bắc Cái Vồn, cặp tuyến sông Hậu và điểm kia nằm ở khu vực bến đò Khóm 5, qua địa giới xã Mỹ Hòa. Thêm vào đó, điểm nấu bắp nằm ven Quốc lộ 4, thuộc địa phận ấp Thuận Tiến A, xã Thuận An vừa mới được hình thành khi cầu Cần Thơ nối hai bờ sông Hậu.
Ông Lê Văn Trọng, ngụ ở Tổ 8 – Khóm 5, là người có "thâm niên" đội bắp nóng đi bán từ năm 17 tuổi. Lúc trước, khi chưa có xe đạp, ông đội bắp trên đầu đem đi bán khắp gần xa. Bắp nấu chín đựng trong một cái rổ, nặng hơn 40 ký. Khi đội bắp phải lót chiếc khăn bông, nước bắp nóng chảy xuống và khi giở khăn ra, khói đã bốc trắng lên đầu. Vì nguyên nhân đó mà những người đội bắp lâu năm đều bị rụng tóc dần dần.
Từ ngày cầu Cần Thơ khánh thành, bến phà Cần Thơ dừng hoạt động, những người bán bắp nấu phải tản ra bán khắp các nẻo đường, người bám chân cầu Cần Thơ, người dựng lều bán ven theo Quốc lộ, số đông thì tìm chỗ đứng ở các chợ trong vùng. Vậy nên, hơn một năm nay, xóm bắp vẫn giữ được nghề. Hằng trăm thùng bắp trong xóm vẫn luân phiên đỏ lửa từ đêm tới sáng, từ trưa tới chiều. Ai cũng cố bán thêm buổi, thêm giờ thì mới đủ trang trải cuộc sống chật vật hiện nay. Ngày làm việc cứ dài thêm, giấc ngủ cứ dần ngắn lại…
Từ lâu, bắp Bình Minh đã nổi tiếng gần xa. Vốn được trồng trên đất cù lao giữa sông Hậu, trái bắp to và thơm ngọt. Những năm gần đây, nhiều nơi trên cù lao được chọn làm điểm du lịch sinh thái, đất trồng bắp hẹp đi nhưng bắp Bình Minh vẫn không mất tiếng. Đó cũng nhờ vào những xóm bắp nấu bên bờ sông Hậu. Bà con ở đây hợp lại thành vựa, thành tổ hợp tác, tỏa đi khắp nơi, từ cồn bãi đến đất ruộng, đất rẫy gì cũng lặn lội, ở đâu có trồng bắp là vào mua, mang về phân phối lại cho bạn hàng.
Hôm nay, dù qua sông Hậu trên cây cầu dây văng lộng lẫy, hoành tráng và hiện đại, nhưng có lẽ, khách đường xa vẫn khó quên hương vị bắp nấu Bình Minh thơm ngon nức tiếng. Món quà quê này như đã trở thành một nét văn hóa địa phương.
Trọng Dũng