Câu chuyện về con cá tra đang là đề đề tài nóng hiện nay. Giá cá tra hiện nay đã sụt giảm nhanh chóng trong bối cảnh nhu cầu và giá cá trên thị trường thế giới duy trì ở mức cao.
"Ma trận" các tiêu chuẩn quốc tế đang bủa vây con cá tra Việt Nam. Ảnh minh họa |
Giữa tháng 4 vừa qua, giá cá tra đạt mức cao kỷ lục 28.500 đồng/kg. Thông tin càng khả quan hơn khi Hiệp hội Chế biến và chế biến thủy sản, gọi tắt là Vasep, nâng mức giá sàn xuất khẩu philê cá tra sang thị trường châu Âu là 3,4 USD/ kg còn sang thị trường Mỹ là 4 USD/ kg. Thế là, nhiều người nuôi cá kỳ vọng giá cá sẽ tiếp tục tăng đến 30.000 đồng/kg. Song, từ giữa tháng 5, giá cá tra bắt đầu giảm dần. Từ chỗ 28.500 đồn /kg giảm còn 25.000 đồng, rồi nay tụt xuống chỉ còn 23.000 – 24.000 đồng/kg. Mức giá trên áp dụng đối với cá tra trong size, tức vào khoảng 800gr/con. Còn loại quá size, trọng lượng từ 1 – 1,2 kg, giá chỉ còn 22.000 đồng/kg mà đôi khi, thương lái còn không mua loại cá này.
Việc giá cá tra giảm lần này diễn ra ngay sau khi các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tham gia Hội chợ thủy sản quốc tế thường niên tại Brussel, Bỉ vào ngày 31/05. Do vậy, nhiều người đặt câu hỏi "Liệu có chăng một số doanh nghiệp bắt tay nhau hạ giá tra nguyên liệu?". Song, không ít doanh nghiệp đã phủ nhân chuyện này và lý giải việc giá cá tra nội địa sụt giảm có nguyên nhân chính từ trong nước.
Với giá thu mua cá tra như hiện nay thì người nuôi giá đang ở mức hoà vốn, thậm chí thua lỗ nếu tính đúng, tính đủ bao gồm cả lãi vay ngân hàng. Theo tính toán của những người nuôi cá thì hiện nay, giá thành 1 kg cá tra đã là 23.000 đồng. Tuy nhiên, việc thua lỗ của người nuôi cá hiện nay không nhiều, bởi vì vụ cá này, số lượng người nuôi cá thể đã giảm, thay vào đó là sự liên kết giữa nhà máy đông lạnh với người nuôi hoặc doanh nghiệp tự đầu tư vùng nuôi.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức lương – nông của Liên hiệp quốc, sản lượng cá nước ngọt của Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong đó, con cá tra ĐBSCL đóng góp một tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, sau một thời gian dài phát triển theo diện rộng, con cá tra ĐBSCL cần phải được tổ chức sản xuất hợp lý hơn, đặc biệt là đi vào chiều sâu.
Trước đây, cá tra, basa chỉ được nuôi lồng, bè vùng thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu thì nay, đã có 8/13 tỉnh vùng ĐBSCL nuôi cá tra. Do phát triển quá nóng, nghề nuôi cá tra đã đối diện với nhiều nguy cơ, từ chất lượng nguồn con giống đến vấn đề vệ sinh môi trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều tổ chức quốc tế gây áp lực vô lý đối với sản phẩm này thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo đó, hiện có đến 23 tiêu chuẩn đối với cá tra, tiêu biểu nhất là GlobalGap, SQF, HACCP… và gần đây nhất là tiêu chuẩn ASC do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF yêu cầu. Nhiều tiêu chuẩn chồng chéo nhau và không thống nhất giữa các thị trường dẫn đến chi phí đánh giá và thẩm định cao. Như để nhận chứng nhận được tiêu chuẩn ASC – một tiêu chuẩn bắt buộc 100% vào năm 2015 – người nuôi phải tốn chi phí khoảng 7.500 USD/ năm cho vùng nuôi 5 ha. Như vậy, với 3.000 ha ao nuôi cá tra hiện nay, người nuôi cá phải cần đến 22 triệu USD/ năm vào năm 2015.
Thực tế cho thấy, chi phí cho một ao nuôi cá tra cần 2,5 – 3 tỷ đồng cho mỗi vụ. Để có nguồn vốn lớn này, người nuôi phải vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, sản phẩm này hiện bị ngân hàng xác định là tính rủi ro cao nên hạn chế đầu tư. Chỉ riêng tại Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm, doanh số mà ngân hàng cho vay nuôi cá tra đã giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Còn so với đầu năm, dư nợ cho vay đối với hộ đã giảm 12% và với doanh nghiệp giảm hơn 5% với tổng vốn còn 1.260 tỷ đồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 40% hộ nuôi cá tra đã bỏ ao. Do đó, diện tích ao nuôi cá tra đang giảm dần tại nhiều tỉnh ĐBSCL. Trong đó, An Giang từ 1.500 ha giảm còn chưa đến 1.000 ha, Cần Thơ từ 1.400 ha giảm còn 775 ha, Vĩnh Long từ 420 ha giảm còn gần 370 ha, Tiền Giang từ 135 ha chỉ còn gần 90 ha.
Do vậy, năm 2011 này, sản lượng cá tra xuất khẩu chỉ 400.000 tấn thành phẩm với kim ngạch 1 tỷ 200 triệu USD. So với năm trước, sản lượng cá tra xuất khẩu ít hơn 245.000 tấn và kim ngạch cũng ít hơn 200 triệu USD. Thông tin từ Ủy ban cá nước ngọt thuộc Vasep cho biết, từ nay đến cuối năm, lượng cá tra nguyên liệu không còn nhiều.
Về phía tổ chức sản xuất, các ngành quản lý đều cho rằng, việc đầu tư liên kết được xem là một lối ra duy nhất và tất yếu cho ngành nuôi cá tra ở ĐBSCL. Đây cũng nhằm giảm bớt thiệt hại cho người nuôi cá tra trong thời gian tới và là động lực để đưa ngành sản xuất cá tra phát triển bền vững.
Theo Vasep, để giải quyết lượng cá tồn đọng trong dân, trong tháng 7 này, các doanh nghiệp cam kết sẽ tăng giá mua cá tra nguyên liệu lên 26.000 đồng/kg với loại cá trọng lượng đến 850 gr và giá cho loại cá quá lứa do hai bên thỏa thuận. Tín hiệu khả quan là giá xuất khẩu cá tra bình quân trên thị trường trong tháng 5 đã tăng 0,25 USD/ tấn. Giá cá tra hồi phục sẽ là một tín hiệu vui cho người nuôi cá tái đầu tư sản xuất các vụ kế tiếp.
Quốc Dũng