Lần đầu tiên kể từ năm 2008, giá cá tra tại các tỉnh ĐBSCL giảm thấp hơn giá thành. Người nuôi cá lại lao đao do thua lỗ do các nhà máy giảm lượng mua vào, sản xuất cầm chừng. Giá cá tra giảm diễn ra trong bối cảnh vùng nuôi vẫn trong qui hoạch, sản lượng không tăng, nguồn nguyên liệu không nhiều. Trong khi nhu cầu thị trường chưa phải cung vượt cầu thì việc cá tra giảm giá cần phải có sự can thiệp từ phía ngành chức năng.

Không ít ao cá này đã thả nuôi hơn 5 tháng và đến kỳ thu hoạch. Trọng lượng bình quân mỗi con là 900 gr. Thế nhưng từ hơn tuần qua, lượng thức ăn được cắt giảm 50% để giảm tăng trọng cho cá. Bởi lẽ, với giá bán tại ao chỉ từ 18 – 19 ngàn đồng như hiện nay thì người nuôi cá lỗ 2 ngàn đồng/ kg. Như vậy, chỉ riêng ao cá với sản lượng khoảng 300 tấn người nuôi lỗ ít nhất 600 triệu đồng. Tuy nhiên, đó còn là nhờ ao nhà, vốn tự có mà không phải vay ngân hàng. Còn nếu tính đủ các chi phí khác, một kg người nuôi cá thua lỗ đến 3 ngàn đồng.

 

Không phải đây là lần đầu tiên người nuôi cá tra chứng kiến cảnh rớt giá như thế này. Có điều khác biệt hơn những lần trước, là giá cá tra đã từng chạm đỉnh 28 ngàn đồng/ kg hồi đầu tháng 4. Vậy mà bước qua tháng 6 cá đã giảm đột ngột đến 10 ngàn đồng/ kg. So với hồi năm 2008, mức này vẫn còn cao hơn 2 ngàn đồng/ kg nhưng xét về giá thành thì tỷ lệ lỗ đã cao nhất. Theo tính toán của người nuôi cá và các Hội nghề cá thì hiện người nuôi đã lỗ khoảng 5 ngàn đồng/ kg.

Đó là lý do vào cuối tháng 6 vừa qua, một cuộc họp khẩn cấp của Hiệp hội thủy sản các tỉnh ĐBSCL được tổ chức tại Vĩnh Long. Tham gia cuộc họp có đại diện Hội nghề cá Việt Nam và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, gọi tắt là Vasep. Nội dung cuộc họp đã đi đến thống nhất đồng loạt kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL hiện nay.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện diện tích nuôi cá tra gần 4.200 ha. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng cá tra đã thu hoạch đạt trên 500 nghìn tấn. Từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 800 nghìn tấn cá tra cần phải tiêu thụ. Thế nhưng chỉ trong vòng khoảng 2 tuần cuối tháng 6 và kéo dài sang đầu tháng 7 này, giá cá chỉ còn 18.000 đồng/kg. Cá mỗi ngày một lớn và vượt kích cỡ chuẩn của các nhà máy chế biến trong khi các doanh nghiệp và thương lái thu mua cầm chừng. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp thiếu vốn do ngân hàng giảm hạn mức đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng.

Hiện nay mỗi ngày công ty này chỉ thu mua từ 30 – 40 tấn cá tra nguyên liệu để chế biến, giảm mạnh so với trước đây. Nguyên nhân là thị trường truyền thống EU giảm mạnh do tác động tiêu cực từ khủng hoảng nợ công. Tập quán kinh doanh vì vậy cũng thay đổi do các nhà nhập khẩu chỉ kí hợp đồng mua từng container hàng thay vì kí với sản lượng lớn.

Ở Cty TNHH Hùng Vương Vĩnh Long, nếu như tháng 5/ 2011 xuất đến 27 công hàng thì tháng 5 vừa qua chỉ xuất được 11 công. Còn nếu tính chung cả 5 tháng đầu năm, công ty chỉ xuất được hơn 2.300 tấn giảm đến 500 tấn so với cùng kỳ năm rồi. Trong khi kim ngạch xuất khẩu qua 5 tháng chỉ bằng 66% so với cùng thời điểm năm trước. Còn trên bình diện chung cả nước, lượng cá tra xuất khẩu 5 tháng tăng hơn 7% về lượng nhưng kim ngạch sụt giảm. Nếu như năm 2011, bình quân giá xuất khẩu phi-lê cá tra là 2,4 đô-la Mỹ/ kg thì nay có doanh nghiệp chào bán 1,7 đô-la Mỹ/ kg, thậm chí 1,4 đô-la Mỹ/ kg. Tình trạng tranh mua tranh bán này là do cả nước hiện có gần 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra nhưng chỉ 65 doanh nghiệp có nhà máy và chiếm đến 75% sản lượng xuất khẩu. Vì vậy, ngành chức năng đề nghị thời gian tới cần qui định xuất khẩu cá tra chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp có điều kiện, như có nhà máy chế biến, có vùng nuôi.

 

Tuy nhiên, việc trước mắt để giải cứu cho con cá tra ĐBSCL là tìm đầu ra cho cả người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Trong đề xuất gần đây nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN thì cần có một chương trình thu mua tạm trữ 100 ngàn tấn cá tra trong dân. Trong đó kiến nghị doanh nghiệp thu mua được hỗ trợ lãi suất 0% trong vòng 4 tháng. Điều kiện là mức giá thu mua tối thiểu phải bằng giá thành sản xuất.

Bộ NN&PTNT cũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ gói tín dụng cấp bách khoảng 9.000 tỷ đồng để cứu ngành này. Bởi lẽ hiện nay lòng tin giữa ngân hàng – doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá tra không còn do tác động các vụ vỡ nợ của các nhà máy chế biến thủy sản thời gian qua. Người nuôi không còn mạo hiểm bán chịu cho nhà máy. Còn ngân hàng từ lâu đã hạn chế cho người nuôi cá vay nay tiếp tục cắt giảm hạn mức đối với doanh nghiệp chế biến để hạn chế rủi ro nợ quá hạn.

Trong phương án giải cứu cá tra mà Bộ NN&PTNT trình Chính phủ, sẽ tập trung hỗ trợ người nuôi. Theo đó, đối với hộ nuôi độc lập, không có hợp đồng hoặc liên kết với nhà máy thì đề nghị ngân hàng hỗ trợ vốn vay như công bố. Mặt khác, có gói riêng lãi suất thấp hơn hỗ trợ người dân, duy trì đàn cá mới thả nuôi. Dự kiến khoảng 60% trong số này được tiếp cận vốn vay, khoảng 5.400 tỷ đồng. Đối tượng nuôi nhỏ được đề xuất áp dụng ưu đãi lãi suất 0,65%/tháng trong 6 tháng.

Còn đối với doanh nghiệp mua cá tra nguyên liệu theo liên kết, hợp đồng. Bộ NN&PTNT đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vay nhưng ngân hàng thanh toán tiền trực tiếp cho các hộ dân, chứ không qua doanh nghiệp. Gói này cấp khoảng 1.440 tỷ đồng, kỳ hạn 4 tháng. Riêng doanh nghiệp có vùng nuôi riêng sẽ được vay khoản tín dụng 2.160 tỷ đồng, kỳ hạn vay 6 tháng. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra, vừa giúp ổn định ngành sản xuất cá tra trong nước, vừa phù hợp với cơ chế thị trường và qui định quốc tế.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *