Quê gốc ở xứ Bạc Liêu xa xôi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống bằng nghề buôn bán, ông Phạm Văn Công có dịp quen biết và cưới vợ quê ở xã Tân Hòa, Thành phố Vĩnh Long này. Có lẽ, chỉ những hoàn cảnh giống nhau họ mới thường thông cảm cho nhau hơn, gia cảnh của vợ ông cũng chẳng hơn ông là bao, gia đình anh em đông, không đất đai canh tác, khi cưới nhau  hai vợ chồng phải xuống ghe rài đây mai đó tìm kế sinh nhai. Đến gần 20 năm sau, hai vợ chồng  mới có cơ hội lên bờ lập nên nghiệp mới.

Ông Phạm Văn Công

 

        Vợ chồng dành dụm mấy chục năm vừa đủ tiền mua được gần 4 công đất vườn. Vào thời điểm năm 2003, đất này là đất trồng nhãn, hiệu quả không cao. Tuy nhiên, do đã lâu năm sống bằng nghề buôn, không biết nhiều về vườn ruộng, ông Phạm Văn Công cũng chưa quyết tâm chuyển đổi trồng cây mới. Nhìn mảnh vườn mỗi năm thu nhập chỉ vừa đủ sống, và đứa con gái duy nhất của ông bà cũng đành nghỉ học sớm, đi làm phụ giúp chuyện nhà, lòng ông không cam tâm chút nào. Và những mô hình làm vườn có hiệu quả kinh tế cao được ông quan tâm, nghiên cứu.

 

        Ở ngay vùng đất nổi tiếng với cây cam sành, ông Phạm Văn Công quan tâm nhiều hơn đến loại cây ăn trái này, bởi ông nhận thấy, nếu chịu học hỏi kỹ thuật tốt và có người chịu chia sẻ kinh nghiệm với mình thì trồng cây này cũng sẽ thành công và nhanh làm giàu nữa. Thế là ông bỏ công đến nhà của những anh em trồng cam giỏi để học tập kiến thức. Đến cuối năm 2007, ông quyết định đốn nhãn, trồng cam cho đến nay. 

        Hiện nay, trồng cam sành người ta có nhiều cách xử lý để trái theo ý muốn, có người làm nghịch toàn bộ, có người chỉ để vụ thuận, còn có người để trái quanh năm, còn gọi là để trái chuyền. Ông Phạm Văn Công để trái theo cách chuyền quanh năm. Bởi theo ông, bằng cách này gia đình có nguồn thu đều đều hàng tháng, hơn nữa năng suất cũng đạt khá cao. Với 500 gốc cam trong vườn, trồng trên diện tích 3 công, năm 2010 vừa qua là năm thu hoạch trái đầu tiên, ông đã thu được 17 tấn, thu nhập trên 200 triệu đồng, từ đó đã lấy lại chi phí và có lời rất khá.

 

     Năm 2011 này, đến thời điểm rằm tháng 7 âm lịch vừa rồi, ông cũng đã bán được trên 17 tấn, còn lại từ nay đến Tết Nguyên Đán, cứ mỗi tháng vườn cho thu hoạch trên 2 tấn, tính ra năm nay năng suất tăng lên hơn chục tấn so với năm rồi, gia đình lời rất khá, ai nấy đều phấn khởi.

        Canh tác thành công với cây cam sành , không chỉ là niềm vui của riêng gia đình ông Phạm Văn Công mà còn là niềm vui chung của địa phương trong  chủ trương nhân rộng mô hình này. 

        Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *