Các cháu được nuôi dưỡng, chăm sóc trong tình thương yêu của các mẹ, các chị tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Blog nhà văn Hồ Tĩnh Tâm |
Bé Nguyễn Phương Mai – cái tên do Trung tâm Bảo trợ Xã hội Vĩnh Long đặt – có hoàn cảnh còn bi đát hơn. Mới được 1 tháng tuổi, bé bị bỏ lại ở Phòng khám của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khóc hết nước mắt mà mẹ không đến. Bé được đưa về Khoa Dưỡng nhi từ ngày 14/4/2010 với bệnh án nhiễm HIV dương tính, thể trạng gầy còm, sụt cân. Từ ngày được nhận về nuôi, vết loét trên đầu bắt đầu lành, bé hết sốt, không còn dùng kháng sinh liều cao và tình hình sức khoẻ đang dần dần được cải thiện. Hàng ngày, bé nằm một mình trong chiếc nôi. Lúc đói, bé chỉ biết khóc, lúc đau ốm cũng chỉ biết nằm im. Những lúc được các mẹ cho ăn, tắm rửa, được nằm vào xe đẩy ra sân hóng gió là giờ phút hạnh phúc nhất của bé. Bé được ăn 4 – 5 bữa mỗi ngày, tự ngủ mà chẳng cần ai ru, cũng chẳng khóc và cũng rất hiếm khi cười. Mỗi khi các mẹ bước ra khỏi phòng, bé nhìn theo mếu máo đến tội nghiệp.
Thương nhất là những bé có HIV bị suy dinh dưỡng nặng, bị hen, hạ đường huyết gần như chỉ nằm một chỗ, ghẻ lở đầy mình, cuộc sống thật mong manh. Các chị chăm lo từng chút, có khi thức trắng đêm để theo dõi bệnh tình. Khi mới vào Trung tâm, có những sinh linh bất động, tưởng đã chết, nhưng qua bàn tay chăm sóc suốt mấy tháng trời của các cô ở Trung tâm, các bé đã sống lại như có một phép lạ diệu kỳ. Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 62 trẻ mồ côi, trong đó có 14 trẻ khuyết tật và 6 trẻ có HIV. Bao nhiêu trẻ với cả nhiều công việc như : tắm, giặt, vệ sinh, cho bé ăn, ngủ… nhưng chỉ 15 người đảm nhận và chia làm 2 ca. Mỗi ca từ 7 – 8 chị trực trong 24 giờ. Tính ra, mỗi chị chăm sóc gần 10 trẻ, chưa kể những trẻ bị bại não, rối loạn thần kinh vận động… nuôi cực gấp 2 – 3 lần trẻ bình thường.
Cô Trương Thị Ngọc Yến – người gắn bó với Trung tâm từ những ngày đầu thành lập và là người mẹ chung của đám cháu có HIV – cho biết : Là người trực tiếp nhận những cú điện thoại thông báo bỏ con, có hôm giữa khuya, có người gọi đến, báo có đứa nhỏ sắp chết rồi cúp máy, cô cùng nhân viên quản lý hồ sơ vội vàng chạy tới nơi, chứng kiến cảnh tượng đứa trẻ mới mấy ngày tuổi bị bó trong chiếc chiếu bỏ thùng rác, chuột cắn hai chân đã loét, khóc đến nỗi lồi cả rốn. Mới đây, chính tay cô mang về hai đứa bé sinh đôi vừa chào đời đã không nơi nương tựa. Có người nhẫn tâm sinh con ra, thấy con bị tật liền bỏ rơi rồi nhờ người gọi điện kêu cô đến nhận về Trung tâm để nuôi dưỡng.
Điều đáng nói là những năm gần đây, số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV, trẻ sinh non hay sinh ra bị dị tật như sứt môi, có những bệnh lý về thần kinh… thường bị cha mẹ chối bỏ như chạy trốn một món nợ “tiền kiếp”. Nhưng xót xa nhất có lẽ là những gia đình hoàn toàn có đủ khả năng kinh tế nhưng vẫn bỏ con, dù trẻ bị bệnh tật rất nhẹ và hoàn toàn có thể chữa khỏi. Cô bảo mẫu Nguyễn Thị Năm – người mới vào Trung tâm công tác hơn 3 tháng – cho biết : Những ngày đầu đến đây làm việc và được phân về Phòng sơ sinh, cô vừa sợ, vừa lo. Chưa xây dựng gia đình lại phải đảm nhận vai trò một người mẹ là nuôi dưỡng trẻ sơ sinh nên thời gian đầu, công việc này thật sự quá sức đối với cô. Nhưng có lẽ đã là phụ nữ thì mặc nhiên có thiên chức của người mẹ. Làm ở Phòng sơ sinh này chỉ một thời gian ngắn, nhưng cô Nguyễn Thị Năm ngày càng gắn bó với các trẻ sơ sinh và trở thành người mẹ thứ 2 của các cháu.
Vất vả nhất có lẽ là các cô ở bộ phận chăm sóc trẻ sơ sinh. Bởi các bé còn quá nhỏ. Những khi có bé nào đó bị nóng sốt, quấy khóc cả đêm, các cô lại là người phải thức cả đêm chăm sóc, vỗ về. Cũng có khi phát bệnh, nhiều bé biếng ăn, các cô lại phải dỗ dành và chính bàn tay các cô phải đút từng muỗng cháo cho các em ăn. Khi có một bé trong Trung tâm phải nhập viện, cũng chính các cô là người ở bên cạnh túc trực 24/24, có khi phải nằm ngoài hành lang bệnh viện để chăm sóc. Và khi các em giành giật lại được sự sống với thần chết, chính các cô là người vui nhất. Nhưng, khi một em ra đi thì đó là một mất mát không gì bù đắp với các cô.
Sang dãy nhà dành cho các em ở lứa tuổi lớn hơn vào giờ ăn trưa, chúng tôi có cảm giác như đang bước vào căn nhà cổ tích khi nghe các cháu gọi những cái tên do chính các em đặt ra cho dãy nhà của mình : nhà Bồ Câu, nhà Thỏ Đế, nhà Bí Bo… Bữa cơm của các em khá tươm tất, có cả thịt gà, thịt heo. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỗi cháu ở trung tâm có khẩu phần ăn trung bình 40.000 đồng/ ngày. Trung tâm hiện có 62 cháu. Tính ra, mỗi tháng trung tâm phải chi khoảng 70 triệu đồng để chăm lo việc ăn uống, học tập cho các cháu.
Nghèo khổ : Bỏ con! Con dị tật : Bỏ con! Bị tình phụ : Bỏ con!… Nhiều trẻ thơ vô tội đã gánh chịu bao oan nghiệt do người lớn gây ra. Vì vậy, mỗi khi thấy em nào có dấu hiệu nóng sốt, tiêu chảy kéo d&agr
ave;i, tay chân lở loét là các cô tất bật đưa đi thử máu, xét nghiệm, săn sóc riêng, vất vả không kể xiết. Vì còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên các cháu cứ lần lượt bỏ các cô mà đi, Trung tâm lại nhận thêm lớp mới. Dẫu sống cuộc đời ngắn ngủi, nhưng chắc rằng các cháu cũng mãn nguyện, vì đã được các bảo mẫu ở đây thật sự yêu thương. Riêng đối với những bé bị nhiễm HIV/AIDS may mắn sống qua 5 tuổi sẽ được các cô đưa lên những trung tâm lớn ở TPHCM để có điều kiện chữa trị, học hành tốt hơn. Các bé khuyết tật đúng tuổi được đưa ra ngoài học…
Công việc cực khổ, lương chỉ vừa đủ sống đạm bạc, mức phụ cấp chỉ là tượng trưng, nhưng với tấm lòng yêu thương trẻ, hầu hết các cô, không ai mặc cảm phải nuôi trẻ nhiễm HIV/AISD hay bị các bệnh hiểm nghèo khác. Các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể cũng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, nghĩa vụ bảo vệ trẻ em… tại các khu công nghiệp, các khu lao động nghèo, nhất là trong giới trẻ vì những đối tượng này có thể sa ngã, lầm lỡ… dễ trở thành những đối tượng từ bỏ núm ruột của mình khi chúng chỉ vừa mới chào đời…
Trọng Dũng