Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có công văn số 2881/LĐTBXH-BTXH yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, kiểm tra và báo cáo kết quả gửi về Bộ trước ngày 31/8.

Trẻ em lang thang được dạy học tại nhà tình thương. (Ảnh: TTXVN)

 

Hiện nay, cả nước đã hình thành được 402 cơ sở bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng trên 40.000 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 233 cơ sở ngoài công lập bao gồm cả cơ sở của các tôn giáo. 

Qua công tác kiểm tra, thanh tra và phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí, cho thấy một số cơ sở bảo trợ xã hội của các tôn giáo, cơ sở ngoài công lập chưa tổ chức, thành lập theo quy định của pháp luật, có hiện tượng cho trẻ em làm con nuôi chưa đúng quy trình, thủ tục quy định tại Luật nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn,.

Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất, diện tích phòng ở của đối tượng được chăm sóc tại các cơ sở ngoài công lập chưa bảo đảm quy định, nhân viên quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.

Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn, nhất là các cơ sở ngoài công lập. Qua quá trình rà soát, kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em bị bỏ rơi bảo đảm các cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Các địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở ngoài công lập chăm sóc từ 10 đối tượng trở lên phải thực hiện thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo đúng quy định, hướng dẫn các cơ sở tăng cường công tác quản lý đối tượng từ việc tiếp nhận, lập hồ sơ quản lý đối tượng, chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, đối với các cơ sở không đủ điều kiện chăm sóc đối tượng, cơ quan chức năng tại địa phương cần bàn bạc, thống nhất với cơ sở theo hướng tiến hành phân loại, lập danh sách các đối tượng không xác định được địa chỉ để xem xét, đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội công lập của tỉnh, thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng. Đối với những đối tượng có địa chỉ cụ thể thì bàn giao về địa phương.

Các cơ sở ngoài công lập phải bảo đảm số lượng đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên làm công tác chăm sóc hiện có.

Công văn cũng nêu rõ, các địa phương phải tổ chức thực hiện chế độ trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở ngoài công lập theo quy định của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội./.

Nguồn: Hồng Kiều (Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *