Không phải đợi đến khi khởi tố vụ án hay khởi tố bị can, Viện Kiểm sát có thể thực hành quyền công tố ngay khi giải quyết tố giác, nhận được tin báo tội phạm.

Đây là điểm mới trong dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) (sửa đổi) nhằm tăng cường chống oan sai, dùng nhục hình của cơ quan có thẩm quyền. Nội dung này nhận được nhiều đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự tại buổi họp bàn về dự án Luật này ngày 23/9.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, VKSND chỉ tham gia thực hiện việc buộc tội của Nhà nước với người phạm tội từ khi khởi tố vụ án hay khởi tố bị can.

Với quy định hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành một số hoạt động xác minh, điều tra như lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi…

Tuy nhiên, kết quả giám sát thời gian qua cho thấy trong giai đoạn này đã xảy ra những trường hợp bức cung, dùng nhục hình dẫn đến chết người, oan sai; việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm.

Những hoạt động này được tiến hành trước khi khởi tố vụ án, vì vậy, nếu chỉ quy định VKSND thực hành quyền công tố từ khi khởi tố vụ án hoặc từ khi khởi tố bị can thì không ràng buộc được trách nhiệm của Viện Kiểm sát. Do đó, sửa đổi nội dung này (tại Điều 3 dự thảo Luật) để quy định thời điểm thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm để hạn chế những tiêu cực trên.

Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định thẩm quyền cho VKSND trong chống tội phạm để hoạt động tư pháp có hiệu quả hơn. Cụ thể, “Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án hoặc người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.”

Cũng trong ngày 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đáng lưu ý, cơ quan soạn thảo dự án Luật là Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị bổ sung thẩm quyền Tòa án có quyền kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử hoặc Tòa án có quyền điều tra, xác minh, bổ sung chứng cứ trong trường hợp cần thiết đối với các vụ án hình sự.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với quy định này vì thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự là thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng thực tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới không có quy định Tòa án có thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ (trừ thẩm quyền điều tra, thẩm vấn tại phiên tòa).

Nguồn: Thành Chung ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *