Chiều 10/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Herve Ladsous, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng tiếp Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam là dân tộc đã chịu nhiều đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, vì vậy, Việt Nam luôn khát khao hòa bình và mong muốn đóng góp cho nền hòa bình vững bền của thế giới. Bên cạnh đó, là một thành viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam nhận rõ trách nhiệm và nghiêm túc thực hiện trách nhiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Liên Hợp Quốc tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình. Theo đó, ngoài các sỹ quan đã được cử, Việt Nam sẵn sàng cử tiếp các sỹ quan của mình tham gia các phái bộ của Liên Hợp Quốc trên thế giới.
Tại buổi tiếp, Phó Tổng Thư ký Herve Ladsous cho biết Liên Hợp Quốc đánh giá rất cao việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc với việc cử sỹ quan của mình tham gia các phái bộ tại Nam Sudan và khu vực Sừng châu Phi. Liên Hợp Quốc mong muốn tiếp tục nhận thêm các sỹ quan Việt Nam tham gia các phái bộ khác và mong muốn Việt Nam tiếp tục ủng hộ các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Với tinh thần đó, ông Herve Ladsous đánh giá cao đề xuất của Việt Nam về việc triển khai 1 bệnh viện dã chiến cấp 2 vào cuối năm 2015, 1 đại đội công binh vào cuối năm 2016 đến các phái bộ phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam. Việt Nam đã ký các thỏa thuận với Liên Hợp Quốc về triển khai đơn vị quân y, công binh đến các phái bộ cụ thể; tiếp nhận các cán bộ ưu tú của quân đội Việt Nam làm việc tại các cơ quan gìn giữ hòa bình tại trụ sở Liên Hợp Quốc.
Là một nhà ngoại giao từng hoạt động nhiều năm ở khu vực, ông Herve Ladsous chia sẻ cũng như nhận thức đầy đủ về sự phức tạp và tính nghiêm trọng về tình hình trên Biển Đông; đồng thời chia sẻ cách tiếp cận giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế.
Nguồn: Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc ( Chinhphu.vn )