Tại buổi tiếp Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề bạo lực với trẻ em, bà Marta Santos Pais, ngày 20/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện các quyền của trẻ em.
 

Kể từ khi phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990 đến nay, Việt Nam đã có những nỗ lực xây dựng các chương trình, bổ sung, sửa đổi ban hành luật pháp liên quan đến trẻ em.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề bạo lực với trẻ em, bà Marta Santos Pais, ngày 20/6. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cùng với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, các quốc gia, tổ chức quốc tế, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất ấn tượng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và đã hoàn thành một số mục tiêu như về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh; nâng cao sức khỏe bà mẹ. Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực bảo đảm duy trì các mục tiêu này và cam kết tiếp tục thực hiện tốt các Mục tiêu Phát triển bền vững sau năm 2015.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Việt Nam có rất nhiều tiến bộ nhưng chưa thể hài lòng.

“Cùng chung nguyên tắc cuối cùng là không có bạo lực đối với trẻ em nhưng mỗi nước có điều kiện khác nhau, có giải pháp cụ thể để đi đến mục tiêu đó. Đây là điều chúng ta có thể chia sẻ, hợp tác, học hỏi lẫn nhau”.

Phó Thủ tướng cho biết không chỉ được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở Việt Nam còn có sự tham gia của nhiều tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội và cả DN. Đáng chú ý, nhiều cá nhân có uy tín trong xã hội dành tâm huyết, tâm sức cho công tác chăm sóc trẻ em có sức ảnh hưởng, huy động rất lớn trong xã hội, đặc biệt đối với trẻ em khuyết tật, bị nhiễm chất độc da cam, tai nạn lao động, tai nạn giao thông…

Về vấn đề bạo lực trẻ em, Phó Thủ tướng cho biết đây là mối quan tâm của các cơ quan, đoàn thể chính trị-xã hội của Việt Nam chứ không chỉ đơn thuần là chuyện của mỗi gia đình.

Bà Marta Santos Pais chúc mừng Việt Nam đã thự hiện những cải cách luật pháp và tư pháp quan trọng, có tác động quan trọng trong việc xóa bỏ bạo lực trẻ em; đánh giá cao những giải pháp bảo vệ và giải quyết mạnh mẽ hơn vấn đề xâm hại trẻ em, thúc đẩy các giải pháp dựa vào cộng đồng đối với trẻ em vi phạm pháp luật và thành lập tòa án chuyên biệt cho trẻ em lần đầu tiên ở Việt Nam.

Bà Marta Santos Pais cho rằng việc Việt Nam đã thông qua Luật Trẻ em là kết quả quan trọng trong việc tạo ra bộ luật khung đối với quyền trẻ em và là khuôn khổ pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của hệ thống bảo vệ trẻ em.

Cùng với đó, công tác xã hội và nhân viên công tác xã hội có vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề bạo lực đối với trẻ em, hỗ trợ các gia đình giải quyết những nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến bạo lực đối với trẻ em, can thiệp đối với những trường hợp bạo lực xảy ra đối với trẻ em, hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập đối với trẻ em bị bạo lực…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng bà Marta Santos Pais một bức tranh tham gia cuộc thi vẽ tranh và viết thông điệp về ASEAN. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trong thời gian tới, với sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế và Liên Hợp Quốc, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách liên quan tới trẻ em phù hợp với các quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em; thúc đẩy phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển bình đẳng và hòa nhập xã hội cho trẻ em, đặc biệt là với nhóm trẻ dễ bị tổn thương. Cùng với đó thực hiện tích cực các chính sách phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em, phòng chống tai nạn trẻ em.

Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan tới bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tăng cường hợp tác vận động sự tham gia và vận động thêm các nguồn lực hỗ trợ cho các chương trình, kế hoạch vì trẻ em ở Việt Nam từ các tổ chức, đối tác, doanh nghiệp, cá nhân, nhà tài trợ ở trong nước và nước ngoài.

Nguồn: Đình Nam ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *