Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị (HVCT) tổ chức sáng 28-8 tại Hà Nội. Gần 300 tướng lĩnh, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ, giảng viên các học viện, nhà trường, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài quân đội đã tham dự hội thảo ý nghĩa này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập .Ảnh: tư liệu. |
Tác phẩm của chân lý thời đại
Trời thu tháng Tám trong xanh vời vợi, trong niềm hân hoan chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các đại biểu từ nhiều cơ quan, đơn vị, trong sắc quân phục các quân, binh chủng khác nhau đã “tề tựu” tại Hội trường HVCT để cùng ôn lại những tháng năm hào hùng, linh thiêng của dân tộc vào thời khắc 70 năm về trước. Tâm trạng mỗi người càng thêm rộn ràng, khi chính họ đang mang theo thành quả nghiên cứu-“sản phẩm trí tuệ” của chính mình, với ý nguyện được góp phần cung cấp thêm luận cứ khoa học, tư liệu lịch sử, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn Độc lập.
7 giờ sáng, trước khi hội thảo bắt đầu, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận về giá trị của một tác phẩm có tư tưởng vượt thời đại. Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Đình Minh, Giám đốc HVCT nói với chúng tôi: "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng công nhận, trong đời, Người đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ (thời điểm viết Tuyên ngôn) mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy. Điều này là hoàn toàn chính xác. Bởi, giá trị của Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định điều đó".
Thật đúng như vậy, mở đầu hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thế, Phó giám đốc HVCT phát biểu khai mạc, chỉ rõ: "Cách đây 70 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Đây là văn kiện quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại, áng văn lập quốc vĩ đại; là thành quả của quá trình tích lũy lý luận, thực tiễn trong suốt hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được truyền tải bằng văn phong chính luận nhưng lời lẽ giản dị, dễ hiểu, có sức lôi cuốn mạnh mẽ".
Nhất trí cao với khẳng định đó, 4 tham luận trình bày tại hội thảo và 12 tham luận gửi về Ban tổ chức có chung nhận định: Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm được đúc kết từ trí tuệ, kinh nghiệm hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tham luận cũng chỉ ra những nội hàm tư tưởng được kế thừa và phát triển từ những giá trị lịch sử về quyền tự chủ của dân tộc Việt Nam. Các đại biểu thống nhất: Nếu như “bài thơ thần” Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt (năm 1077) và Đại Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi (năm 1428) khẳng định quyền tự chủ của dân tộc Việt Nam đối với một vương triều đi ngoại xâm, thì Tuyên ngôn Độc lập (năm 1945) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt ra khỏi giới hạn đó, khẳng định với toàn thể thế giới, rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”; đồng thời tuyên bố về sự ra đời của một nước Việt Nam hiện đại – nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trong tham luận của mình, PGS, TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) dành dung lượng phân tích khá chi tiết, cụ thể về vấn đề này. Tham luận chỉ rõ, Tuyên ngôn Độc lập là kết quả hy sinh xương máu của đồng bào và những người con anh dũng Việt Nam. Nó được phôi thai từ bản Yêu sách tám điểm năm 1919, Chương trình Việt Minh năm 1941 và những bản tuyên ngôn khác của các vị tiền bối. Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ.
Hội thảo cũng thống nhất đánh giá như vậy, bởi lẽ, Tuyên ngôn Độc lập đã kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử, mà điểm sáng chói là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; là trí tuệ và bản lĩnh văn hóa Việt Nam với khát vọng cháy bỏng là đấu tranh vì nền độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Do đó, Tuyên ngôn Độc lập xứng đáng là văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lịch sử to lớn và giá trị thời đại sâu sắc. Đây là một tác phẩm của chân lý thời đại.
Lời thề độc lập trong Tuyên ngôn Độc lập
Trung tướng Trần Đức Nhân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy HVCT chỉ rõ trong tham luận: “Một trong những tư tưởng nổi bật, được đặt lên hàng đầu của Tuyên ngôn Độc lập, mà nội dung thể hiện ngay trong phần mở đầu là ý chí và khát vọng về quyền của dân tộc và quyền của mỗi người dân Việt Nam hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp lý chắc chắn và đầy thuyết phục”.
Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lời trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Từ quyền của mỗi con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh suy ra quyền của mỗi dân tộc: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi quyền dân tộc là vấn đề cơ bản, có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện quyền con người. Đó là điều hoàn toàn đúng đắn cả trong nhận thức và hiện thực lịch sử. Bởi lẽ, nếu một dân tộc mất độc lập, tự do; một dân tộc bị thống trị; nhân dân bị bóc lột và chịu thân phận nô lệ thì không thể có quyền con người. Vì vậy, “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Người khẳng định những chân lý mà nước Mỹ và nước Pháp nêu ra trong tuyên ngôn “là những lẽ phải mà không ai chối cãi được”. Với việc viện dẫn những nội dung trong hai bản tuyên ngôn của nước Pháp và Mỹ để thể hiện sâu sắc ý chí và khát vọng về quyền của nhân loại, quyền của dân tộc và quyền của mỗi người dân Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thì cho rằng những câu kết thúc trong bản Tuyên ngôn Độc lập chính là “lời thề độc lập” – lời thề bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước của nhân dân Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Kiên định, trung thành và vận dụng sáng tạo
Bên cạnh việc khẳng định giá trị của Tuyên ngôn Độc lập, các đại biểu còn dành nhiều ý kiến vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của các lực lượng thù địch. Tuy nhiên, với niềm tin son sắt, các đại biểu cho rằng, Tuyên ngôn Độc lập sẽ mãi trường tồn, bởi nó là đại diện cho ý chí, khát vọng ngàn đời của dân tộc ta. Vì vậy, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trung thành, sáng tạo Tuyên ngôn Độc lập trong điều kiện mới. 25 tham luận (đề cập đến vấn đề liên quan) đã tập trung phân tích, chỉ ra một thực tế rằng, từ ngày giành thắng lợi cuối cùng, thu non sông về một mối, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn kiên định, trung thành với tư tưởng của Người, được đề cập trong Tuyên ngôn Độc lập.
Phân tích những khó khăn trong quá trình vận dụng Tuyên ngôn Độc lập vào điều kiện mới của đất nước, Trung tướng PGS, TS Nguyễn Ngọc Hồi, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân, chỉ ra: "Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc có nhiều thuận lợi do thế và lực của Việt Nam đã được cải thiện nhiều hơn so với trước đây; nhưng chúng ta cũng đứng trước những thách thức rất gay gắt, nhất là yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo". Nhận thức rõ đặc điểm, tình hình trong điều kiện mới, các đại biểu đã thẳng thắn thảo luận, kiến nghị nhiều giải pháp trong quá trình học tập, nghiên cứu, vận dụng tư tưởng, nội dung Tuyên ngôn Độc lập hiện nay; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để Tổ quốc và nhân dân thực hiện lời thề “giữ nước” như chính ý chí, khát vọng ngàn đời của dân tộc và ý nguyện hằng mong muốn của Bác Hồ.
Kết luận hội thảo, Thiếu tướng PGS, TS Nguyễn Đình Minh, khẳng định: 70 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập luôn sống mãi, trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lời thề độc lập từ mùa Thu năm 1945 sẽ mãi là kim chỉ nam cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc của hôm nay và mai sau!
Nguồn: TUẤN TUÂN – THANH THỦY ( Báo QĐND )