Sáng 8/12, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) và triển khai định hướng nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Hồng Sơn |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị các đại biểu cần đánh giá đúng những kết quả đạt được, đặc biệt là những kinh nghiệm của giai đoạn 2011-2015, đồng thời chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp và đề xuất các biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung trong giai đoạn 2016-2020 để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất công tác đảm bảo TTATGT.
Đánh giá kết quả đạt sau 5 năm triển khai các giải pháp đảm bảo TTATGT và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 88 của Chính phủ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, việc chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM có nhiều chuyển biến tích cực. TNGT liên tục giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với giai đoạn trước…
Một số địa phương đạt kết quả nổi bật như: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Đà Nẵng… Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM và một số trục giao thông chính đã từng bước được khắc phục.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này, đó là tình hình TTAGT tiếp tục diễn biến phức tạp trong điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới tăng nhanh. Số người chết và bị thương vì TNGT còn ở mức cao. TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra mà con số gây nhức nhối là mỗi năm vẫn còn gần 9.000 người chết vì TNGT. Tình trạng xe chở quá tải trọng giảm mạnh nhưng còn diễn biến phức tạp; tình trạng ùn tắc giao thông tái diễn phức tạp tại Hà Nội, TPHCM. Vẫn còn nhiều vi phạm nghiêm trọng diễn ra trên các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sắt…
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức của nhân dân bằng các hình thức thích hợp để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông; hạn chế tình trạng lộn xộn khi tham gia giao thông như: Uống rượu say, gây gổ khi va chạm giao thông. Bên cạnh đó, phải sửa đổi, bổ sung một số quy định, áp dụng khoa học công nghệ trong bảo đảm ATGT.
Bên cạnh việc tuyên truyền, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm để bảo đảm răn đe, hạn chế vi phạm và TNGT. Có đề án truyền thông cụ thể, có quy trình xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người tham gia giao thông.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua bảo đảm ATGT giai đoạn 2016-2020 trong các cơ quan chuyên trách và toàn thể nhân dân.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 là giảm 5-10% số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương hằng năm; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thủy nội địa, ô tô kinh doanh vận tải; tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn (đặc biệt là Hà Nội và TPHCM) không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút; tiếp tục thực hiện năm ATGT hằng năm với từng chủ đề phù hợp, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Tiếp tục triển khai thực có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT; Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này.
Bảo đảm tiến độ, chất lượng, siết chặt quản lý chất lượng các hoạt động đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực vận tải; đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT…
Tính từ năm 2011 đến 2015, trong điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng nhanh (ô tô tăng 9,4%/năm, mô tô tăng 7,14%/năm), tai nạn giao thông giảm trên 50% số vụ (19,5%/năm), 23,7% số người chết (7%/năm), 60% người bị thương (25%/năm). |
Nguồn: Lê Sơn ( Chinhphu.vn )