Thủ tướng đề nghị EU sớm hoàn tất phê chuẩn PCA, sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ; đồng thời đề nghị hai bên nỗ lực đàm phán để có thể ký kết FTA vào giữa năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chiều 7/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu đang thăm làm việc tại Việt Nam.
Hoan nghênh ông Bernd Lange và Đoàn thăm làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là diễn ra trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cũng như đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam-EU thời gian qua có những bước phát triển hết sức tốt đẹp, trong đó, hợp tác về thương mại, đầu tư là lĩnh vực nổi bật với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Khẳng định EU hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA) đã được lý kết, việc hai bên đang tích cực chuẩn bị ký kết FTA sẽ là một dấu mốc quan trọng đưa quan hệ hai bên phát triển lên một tầm cao mới.
Với tinh thần này, Thủ tướng đề nghị EU sớm hoàn tất phê chuẩn PCA, sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ, đồng thời đề nghị hai bên nỗ lực đàm phán để có thể ký kết FTA vào giữa năm nay.
Với vai trò là cơ quan quan trọng của châu Âu trong ký kết, phê chuẩn và giám sát thực thi FTA, Thủ tướng đề nghị Nghị viện châu Âu ủng hộ, quan tâm thúc đẩy để FTA giữa Việt Nam-EU sớm được ký kết và triển khai.
Trao đổi với các thành viên trong Đoàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mặc dù đã chuyển đổi thành công nền kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn đang phát triển ở trình độ thấp do chịu ảnh hưởng nặng nề của các cuộc chiến tranh xâm lược và theo dự báo, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Vì vậy, trong đàm phán FTA, EU cần linh động xem xét đến trình độ phát triển còn thấp của Việt Nam; cân nhắc, quan tâm đến các lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với các mặt hàng nông, thủy sản, giày da, may mặc,…
Thủ tướng cho rằng, việc đàm phán, ký kết và thực hiện các FTA với các đối tác không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương mà còn góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện hội nhập sâu rộng cũng như tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định cam kết Việt Nam luôn hoan nghênh, chào đón và tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp EU sang đầu tư, kinh doanh lâu dài và thành công tại Việt Nam.
“Việt Nam luôn coi sự thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là thành công của chính mình” – Thủ tướng khẳng định.
Ông Bernd Lange đánh giá cao những bước đi lớn của Việt Nam trong 30 năm qua, đặc biệt là trong những năm gần đây trong cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là xây dựng nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở sự đồng thuận của người dân; phát triển nền kinh tế thị trường gắn với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội; chủ động hội nhập sâu rộng và hiệu quả vào nền kinh tế thế giới.
Đánh giá quan hệ giữa EU và Việt Nam là hết sức tốt đẹp trên cơ sở lòng tin và nỗ lực củng cố mối quan hệ từ cả hai phía, ông Bernd Lange khẳng định, EU luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam. Vì vậy Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu sẽ hết sức lưu ý đến các đề nghị của Việt Nam, trong đó có việc EU tích cực xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam cũng như sớm hoàn tất phê chuẩn PCA.
Ông cũng bày tỏ tin tưởng FTA giữa EU và Việt Nam và sẽ sớm được ký kết, vì hiệp định này là một hiệp định toàn diện, mang lại những lợi ích to lớn cho cả hai bên, là cơ sở để EU và Việt Nam hợp tác sâu rộng và hiệu quả.
Ông Bernd Lange cũng đánh giá rất cao những cam kết cũng như lộ trình rõ ràng mà Việt Nam đưa ra trong quá trình đàm phán và triển khai hiệp định này sau khi được ký kết và phê chuẩn.
Nguồn: Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc ( Chinhphu.vn )