Chiều 15/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về công tác điều hành giá xăng dầu 6 tháng đầu năm 2014 và phương hướng điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.
 
 

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, có tăng, có giảm nhưng chủ yếu dao động ở mức cao.

Trước diễn biến này, để góp phần bình ổn giá bán trong nước, liên Bộ đã phối hợp điều hành giá linh hoạt theo cơ chế thị trường, đồng thời sử dụng các công cụ tài chính nhằm hạn chế mức tăng giá.

Từ đầu năm đến nay, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới tại các kỳ tính giá quy định tại Nghị định 84, liên Bộ đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp đầu mối thực hiện 10 đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm điều chỉnh giá bán lẻ ở mức hợp lý (dưới 500 đồng/lít/kg). Giá xăng sau đợt điều chỉnh ngày 7/7/2014 hiện là 25.640 đồng/lít, trong đó Quỹ bình ổn chỉ sử dụng 500 đồng/lít. Mức giá bán lẻ xăng hiện nay đã bao gồm 32,1% thuế và phí, tương đương 8.300 đồng/lít.

Nhờ sử dụng Quỹ bình ổn giá, giá mặt hàng xăng chỉ tăng tối đa ở mức kiềm chế là 338 đồng/lít thay vì 638 đồng/lít vào thời điểm 23/6/2014 và chỉ tăng 418 đồng/lít thay vì 918 đồng/lít vào thời điểm 7/7/2014 (giá cơ sở mặt hàng xăng Ron 92 tại thời điểm 23/6/2014 thấp hơn giá bán lẻ trong nước là 638 đồng/lít, thời điểm 7/7/2014 thấp hơn 918 đồng/lít). Mặt hàng dầu mazut cũng được điều hành tăng giá tương tự.

Theo tính toán, thời điểm ngày 7/7/2014, nếu không tăng giá xăng mà chỉ sử dụng Quỹ bình ổn thì mức giá thiết lập trong lần điều chỉnh trước đó 2 tuần (ngày 23/6/2014) chỉ có thể duy trì trong khoảng 40 ngày và Quỹ bình ổn sẽ cạn kiệt (đến cuối tháng 6/2014, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn khoảng 1.500 tỷ đồng).

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc điều hành giá xăng dầu như vừa qua đã thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 84, đồng thời các chi phí hình thành giá thành, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá, mức lợi nhuận tối thiểu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã được công khai, minh bạch.

Trước việc giá xăng dầu thế giới đang đứng ở mức cao và dự báo tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu hai Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến giá thế giới, đồng thời có phương án trong trường hợp giá thế giới tăng cao đột biến.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện đúng nguyên tắc điều hành giá xăng dầu quy định tại Nghị định 84 với các mục tiêu đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng; góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới do giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực; thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu và điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong nước hợp lý, đảm bảo giá xăng dầu trong nước phản ánh được xu hướng giá thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu hai Bộ giải thích rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến, tình hình giá xăng dầu thế giới; phương án điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc của Nghị định 84; công khai minh bạch về các cơ sở hình thành giá bán lẻ xăng dầu; về việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mức lợi nhuận của các doanh nghiệp để dư luận và nhân dân nắm rõ và chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Văn phòng Chính phủ rà soát, hoàn thiện các nội dung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84 để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhằm đưa công tác điều hành giá xăng dầu theo đúng cơ chế thị trường, căn cơ, bài bản và công khai, minh bạch.

Nguồn: Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *