Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 18/CT-TTg về tiếp tục tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn làm thủ tục xuất khẩu hàng nông sản cho các doanh nghiệp. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

 

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2014 về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, thời gian thông quan hàng hóa vẫn còn cao so với các nước ASEAN-6; một số thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn bất cập và chậm cải cách: Hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành còn nhiều nhưng chưa đủ, còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế và thông lệ của quốc tế.

Lực lượng kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn mỏng, phương tiện còn thiếu, hiệu quả thấp; hiệu quả phối hợp trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn chưa cao.

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính hải quan

Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản lý trong lĩnh vực hải quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt, có hiệu quả, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015-2016.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chínhvà ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước của bộ, ngành, đơn vị, thực hiện kết nối liên ngành để phối hợp hoạt động quản lý và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hải quan; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã ban hành, đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện và giảm chi phí, thời gian tuân thủ.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, đảm bảo kết nối thông tin giữa các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Bên cạnh đó, vận hành và triển khai hiệu quả hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) giai đoạn 1; phối hợp với phía Nhật Bản hoàn thành các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống, hoàn thiện, bổ sung các chức năng: cấp phép tự động (e-Permit), C/O điện tử (e-C/O), lược khai điện tử (e-Manifest), thực hiện phương thức thanh toán thuế điện tử.

Kết nối liên ngành quản lý thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu hàng hóa

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động cấp phép, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (kiểm tra chuyên ngành) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng tăng cường kiểm tra trọng tâm, trọng điểm đối với hàng hóa có nguy cơ cao ảnh hưởng đến dịch bệnh, sức khỏe người dân, an ninh xã hội và môi trường.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu ưu tiên và tạo thuận lợi về kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng Nhà nước khuyến khích xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất nhưng trong nước chưa sản xuất được… Thời gian hoàn thành trong quý 4 năm nay.

Các cơ quan trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm rà soát, xây dựng và công bố đầy đủ Danh mục kèm theo mã số HS đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của các bộ, cơ quan ngang bộ; hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành, trong đó quy định rõ những mặt hàng phải kiểm tra tại cửa khẩu, mặt hàng kiểm tra trước khi thông quan, những mặt hàng được kiểm tra sau thông quan hoặc kiểm tra trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Thực hiện đăng ký và trả kết quả kiểm tra qua mạng thông tin điện tử. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/9 tới.

Đồng thời nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chỉ định rõ cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chỉ định hoặc thừa nhận tổ chức chứng nhận/giám định chất lượng hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Chỉ định và khuyến khích các tổ chức đánh giá sự phù hợp tham gia thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng xã hội hóa để bổ sung cơ sở kiểm tra, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu, tiết kiệm nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Thời gian hoàn thành trong quý 4 năm nay.

Một trong các nhiệm vụ nữa là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phương tiện và nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đặc biệt là hàng hóa có nguy cơ cao ảnh hưởng đến dịch bệnh, sức khỏe con người, môi trường, an ninh xã hội… tại các cửa khẩu nơi có lưu lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lớn thuộc các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Chỉ đạo cơ quan kiểm tra chuyên ngành thuộc và trực thuộc phối hợp với cơ quan hải quan trong việc trao đổi thông tin, thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành phục vụ việc thông quan hàng hóa được nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, pháp luật về hải quan. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thời gian hoàn thành trong quý 1/2016.

Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính của bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới, thời gian giải quyết trên mạng Internet và niêm yết tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức có năng lực, có trách nhiệm trong hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề thực hiện khảo sát, nghiên cứu độc lập đánh giá định kỳ về chất lượng thực hiện thủ tục hải quan, công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và đưa ra các khuyến nghị với Bộ Tài chính.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tham gia, phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính về hải quan, phản ánh với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để xử lý, tháo gỡ kịp thời./.

Nguồn: TTXVN/VIETNAM+

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *