Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, lối tư duy cục bộ nhằm bưng bít thông tin sẽ phải thay đổi khi có Luật Tiếp cận Thông tin.
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Nếu bất kỳ tài liệu nào cũng đóng dấu mật thì không đúng. Ảnh: VA |
Ông Truyền nói, ngay trong chương trình thực hiện Luật Phòng chống Tham nhũng và Nghị quyết Trung ương 3, Chính phủ cũng đã đề cập đến quyền được tiếp cận thông tin và yêu cầu phải luật hóa. Lúc đầu ban hành rải rác ở nhiều văn bản, cao nhất là nghị định.
Trong chiến lược phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và công ước phòng chống tham nhũng sắp được ký, VN cũng cam kết đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Việc luật hóa quyền này là một vấn đề quan trọng, phải làm sớm, như vậy mới có tác dụng trong chống tham nhũng.
Bưng bít là vi phạm quy định
Như ông vừa nói, những quy định về cung cấp thông tin cho người dân, báo chí đã được quy định rải rác ở nhiều nơi nhưng thực tế, người dân muốn tìm hiểu các văn bản, chính sách, thông tin về quy hoạch thường rất khó khăn. Nguyên nhân do đâu?
– Thực tế, thông tin đang ngày càng mở rộng, đa chiều hơn và ngày càng được cung cấp rộng rãi. Chẳng hạn các quyết định quan trọng của Quốc hội, Chính phủ họp xong cũng đều họp báo và qua báo chí thông tin rộng cho dân biết.
Mới đây, trong phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, Thủ tướng cũng đưa ra quy định văn phòng Ban chỉ đạo phải thông tin cho báo chí đầy đủ. Thủ tướng cũng nói sau này họp Chính phủ, nếu gặp vấn đề gì liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm thì đích thân Thủ tướng sẽ chủ động thông tin. Như vậy là đã có những quy định rất rạch ròi đấy chứ.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã ban hành quy chế về cung cấp thông tin, giao cho các ngành, bộ, nhất là người đứng đầu, chịu trách nhiệm phát ngôn cho công luận và cho báo chí rộng rãi. Người dân và báo chí cứ theo đó mà làm.
Nhưng thực tế, do chưa có chế tài xử lý trường hợp không cung cấp thông tin nên người dân dễ dàng bị từ chối từ phía các cơ quan công quyền. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp than rằng do không tiếp cận được các chính sách, quy hoạch nên khó cho họ khi xây dựng kế hoạch và chiến lược kinh doanh?
– Trong trường hợp vì lý do này, lý do khác mà né tránh, bưng bít hoặc không cung cấp thông tin thì nơi đó vi phạm quy định. Chẳng hạn, trước kia, có bao giờ Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo hàng tháng để cung cấp thông tin như bây giờ đâu. Bây giờ, họp báo hàng tháng, ai hỏi gì tôi cũng không né tránh, bưng bít gì.
Còn có thể có những lý do tế nhị như ngại ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, đến việc làm của mình hoặc những lối tư duy cục bộ kiểu nếu không cung cấp thì sẽ không ai biết. Nhưng tư duy như vậy không đúng. Thủ tướng luôn nhấn mạnh, thông tin càng chính thống, minh bạch chủ động, kịp thời thì càng có lợi cho xã hội và tốt cho điều hành Chính phủ. Vậy tại sao lại không cung cấp?
Không thể đóng dấu "mật" văn bản liên quan quốc kế dân sinh
Mặc dù Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo như vậy, nhưng ngay mới đây, Bộ Công an đã ban hành một danh mục một loạt những điều khoản mật trong ngành xây dựng mà các chuyên gia trong ngành cho rằng nếu chiếu theo đó thì hầu hết tất cả đều là thông tin mật?
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, trong tháng 02/2009, ban soạn thảo Luật Tiếp cận Thông tin sẽ có cuộc làm việc đầu tiên để đưa ra đề cương chi tiết cho dự thảo.
– Về việc đóng dấu mật vào các tài liệu, văn bản, pháp luật cũng quy định là cơ quan nào mới có thẩm quyền công bố. Chẳng hạn chỉ có Bộ Công an và Chính phủ công bố và xác định danh mục này là tài liệu mật, văn bản mật thì mới được đóng dấu.
Những văn bản thuộc về nội bộ cũng phải theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền thì mới được công bố là mật, chứ không phải bất kỳ văn bản nào không muốn cho người khác xem thì cứ đóng dấu mật.
Ngay cả ở Thanh tra Chính phủ, nhiều lúc các dự thảo bản kết luận các cuộc thanh tra hoặc văn bản kết luật đóng dấu mật thì tôi đều nêu ý kiến, nói rằng làm như vậy hoàn toàn không đúng, phải bỏ chuyện đóng tất cả dấu mật vào đi.
Chỉ có một số loại tài liệu đóng dấu mật là những tài liệu mà thông tin nhạy cảm hoặc kết luận chưa đầy đủ, chưa chính xác, nếu phổ biến, sẽ không có lợi nên sẽ ghi là chưa được phổ biến, khi nào cơ quan chức năng có trách nhiệm cho phép thì mới công bố. Còn nếu bất kỳ cái nào cũng đóng dấu mật thì không đúng.
Chính vì vậy, trong quá trình cải cách, trọng tâm là phải quy định, việc nào mật là quy định thật rõ.
Dạng thông tin nào, theo ông, không nên coi là mật?
– Những vấn đề cơ mật là vấn đề có liên quan đến an ninh quốc phòng quốc gia, có quan hệ đặc biệt đến sự phát triển của đất nước. Còn lại, những vấn đề đụng chạm quốc kế dân sinh, sự phát triển đất nước thì không bao giờ có thể gọi là mật.
Bạn bè, gia đình ông đã bao giờ phải nhờ ông can thiệp do họ muốn tìm hiểu một thông tin nào đó về chính sách từ các cơ quan nhà nước mà bị từ chối cung cấp chưa?
– Thực tế đây đó cũng có xảy ra không ít trường hợp từ chối cung cấp thông tin, một phần cũng là do nhận thức hoặc thậm chí do tác động nhạy cảm của các đơn vị, họ không sẵn lòng cung cấp thông tin.
Nhưng khi Thủ tướng đã có chỉ đạo và sau khi có luật thì không thể còn để tình trạng bưng bít nữa.
TS Cao Đức Thái, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người: "Do nhận thức của công chức còn yếu"
Tính công khai, minh bạch của xã hội bị hạn chế không phải quan điểm của Đảng, Nhà nước, mà do trình độ phát triển còn thấp, thiếu cơ sở pháp lý, nhận thức về công khai, minh bạch của các công chức còn yếu.
Hiện ngay các chỉ số về công khai, minh bạch, chúng ta cũng chưa tự xây dựng được, mà dùng chỉ số của một số nước, tổ chức quốc tế. Minh bạch, công khai rất quan trọng với các doanh nghiệp vì họ cần nắm thông tin nhanh chóng, chính xác về chính sách đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… để xây dựng kế hoạch.
Khi quyền tiếp cận thông tin được thực thi, thậm chí cần có quy định giải thích vì sao thông tin này, thông tin kia không được công khai.
Theo Lê Nhung (VietNamnet)