Bộ Tài chính vừa tiếp tục có văn bản yêu cầu doanh nghiệp giữ mức bán lẻ hiện hành, dù chênh lệch với giá cơ sở hiện đã gần 500 đồng, đối với xăng RON 92. Quỹ bình ổn, theo đó sẽ được trích thêm 100-200 đồng mỗi lít.

 

Theo thông báo của cơ quan điều hành, kể từ sau lần giảm giá xăng gần nhất (11/11), giá xăng dầu thế giới đã tăng cao trở lại, khiến giá cơ sở cao hơn mức bán lẻ trong nước (trừ dầu madút) tăng lên mức 467-968 đồng một lít. Con số này đã cao hơn so với lần tính toán trước (26/11) gần 200 đồng.

Tuy nhiên, với mục tiêu bình ổn thị trường, Bộ Tài chính quyết định giữ nguyên thuế nhập khẩu, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giữ giá bán. Để hỗ trợ, cơ quan này cho phép doanh nghiệp tăng mức sử dụng quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, dầu diezen lần lượt là 100 và 200 đồng mỗi lít. Mức trích quỹ đối với 2 mặt hàng này, theo đó sẽ tăng lên 300 và 500 đồng. 

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở đối với dầu diezen, dầu hỏa (tạm tính 100 đồng mỗi lít). Theo cơ quan này, kể cả sau khi thực hiện phương án điều hành giá xăng dầu như trên, nếu tính đủ lợi nhuận định mức thì giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu vẫn cao hơn giá bán hiện hành: xăng 167 đồng một lít; dầu diezen 126 đồng…

"Như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải chia sẻ khoảng 56% lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng và 43% với dầu diezen…", cơ quan điều hành tính toán.  Mức trích lập trên sẽ được áp dụng từ 14 giờ ngày 5/12.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 6 lần giảm giá với tổng mức giảm 2.160 đồng một lít, thấp hơn mức tăng (2.640 đồng một lít). Gần đây nhất hôm 11/11, khi giá xăng cơ sở bình quân 30 ngày thấp hơn giá bán lẻ 241 đồng, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng giảm bớt khó khăn trong điều kiện bão lũ liên tiếp, Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp giảm giá xăng, mức giảm 250 đồng một lít.

Theo Ngọc Tuyên ( VnExpress )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *