Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin – Truyền thông) Lưu Vũ Hải cho hay đang thu thập ý kiến, khảo sát để quy hoạch lại hệ thống Phát thanh – Truyền hình cả nước.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lưu Vũ Hải nói: Các đài Phát thanh – Truyền hình thời gian qua đã có những phát triển, xuất phát từ nhu cầu của xã hội, nhưng công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn đó.

Vì vậy, làm sao dần dần từng bước đưa sự phát triển đó vào khuôn khổ và phù hợp với định hướng mà không kìm hãm sự phát triển, đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng cũng từng bước hạn chế những mặt tiêu cực, đặc biệt trong nội dung thông tin.

Năng lực sản xuất chương trình còn hạn chế

Mô tả ảnh.
Ông Lưu Vũ Hải

Hiện nay, cả nước có 67 đài phát thanh – truyền hình địa phương. Ông đánh giá thế nào về chất lượng và số lượng chương trình trên hệ thống các đài?

– Có ý kiến cho rằng ở con số 67 là nhiều. Có người lại cho là không nhiều. Nhưng câu chuyện nhiều hay ít ở đây có lẽ nằm ở mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng. Nếu mỗi đài đều sản xuất những chương trình chất lượng cao, tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn riêng thì sẽ không ai cảm thấy nhiều.

Do năng lực sản xuất chương trình hạn chế, để bù đắp thời lượng, các đài phải đi khai thác bên ngoài, khai thác giống nhau dẫn đến các chương trình giống nhau. Cơ quan quản lý đang thu thập ý kiến, khảo sát để quy hoạch lại hệ thống phát thanh – truyền hình cả nước.

Thực tế nhiều đài địa phương đủ sóng phát vươn sang cả các tỉnh lân cận. Sự trùng lặp, khai thác giống nhau như vậy sẽ gây lãng phí?

– Đây là quan hệ giữa năng lực sản xuất chương trình và năng lực truyền dẫn phát sóng. Hiện nay năng lực sản xuất chương trình của các đài địa phương còn rất hạn chế, đa số trung bình khoảng 3 đến 4h/ngày, còn lại là khai thác. Trong khi đó, năng lực phát sóng thì rất tốt. Các đài đều có xu hướng tăng công suất để mở rộng vùng phủ sóng và đôi khi mở rộng quá địa bàn. Làm sao phải nâng cao năng lực sản xuất chương trình để phù hợp với chức năng nhiệm vụ.

Như vậy, phải xem xét lại việc tổ chức chức năng nhiệm vụ và mô hình tổ chức của các đài?

– Hiện nay chức năng, nhiệm vụ của các đài giống nhau nhưng mô hình tổ chức của mỗi đài lại rất khác nhau. Đặc biệt là mô hình các đài từ cấp huyện trở xuống không thống nhất trên toàn quốc. Điều này gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách chung cho hệ thống các đài. Thậm chí với các đài cấp huyện, hiện nay mỗi nơi gọi theo một tên khác nhau. Có nơi chỉ hoạt động phát thanh, có nơi sản xuất phát sóng các chương trình truyền hình. Cơ quan quản lý sẽ xem xét vấn đề này.

Trách nhiệm giám đốc đài

Có mô hình khá phổ biến hiện nay là liên kết giữa các đài truyền hình và các đối tác thương mại để sản xuất chương trình. Điều này tạo ra cơ hội để sản xuất đa dạng các chương trình giải trí phục vụ khán giả nhưng cũng bộc lộ những hạn chế như lạm dụng quảng cáo. Giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

– Đã có những dấu hiệu về sự thao túng nội dung một số chương trình truyền hình, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ngày 28/5 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư quy định việc liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình phát thanh – truyền hình, trong đó điều chỉnh hoạt động liên kết có trao đổi quyền lợi bằng quảng cáo và tài trợ.

Theo đó, sẽ hạn chế những tiêu cực của hoạt động liên kết sản xuất chương trình về nội dung, về quyền và trách nhiệm của đối tác liên kết cũng như một số vấn đề về công khai hóa hoạt động liên kết để bảo đảm hoạt động liên kết được giám sát chặt chẽ hơn từ chính các đài.

Không chỉ quảng cáo ăn theo các chương trình sản xuất liên kết mà ngay quảng cáo chung trên truyền hình cũng có vấn đề như thiếu thẩm mỹ, sai sự thực… bị dư luận phản ứng khá nhiều. Ý kiến của ông?

– Hiện nay, quy định về quảng cáo trên truyền hình cũng chưa được chặt chẽ. Pháp lệnh quảng cáo trước đây quy định 5% trên tổng thời lượng. Nếu tính trên một chương trình truyền hình sẽ rất nhiều, có lúc dày, tần suất cao nhưng nếu tính trên tổng thời lượng thì chưa vượt. Đây là một cách lách luật.

Nói cho cùng, đó là trách nhiệm của giám đốc, tổng giám đốc các đài trước xã hội. Đây là trách nhiệm chính trị, làm sao để các chương trình phục vụ thông tin tuyên truyền và nhu cầu giải trí lành mạnh, không gây những phản cảm cho xã hội. Nhà nước sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh vấn đề này.

Theo Xuân Linh (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *