Chiều qua (16/02), đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã thông qua bản đề cương chương trình giám sát.
Đây là đợt giám sát lớn nhất của QH với hoạt động các TĐ,TCT. Ảnh: VNN |
Trao đổi với VietNamNet, Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền cho hay, đây là đợt giám sát lớn nhất của Quốc hội đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (TĐ, TCT).
Theo Phó Trưởng đoàn Vũ Viết Ngoạn, Quốc hội không chỉ "khám sức khỏe" các TĐ,TCT mà giám sát cả các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm đã cổ phần hoá nhưng Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn.
Đề cương giám sát gồm ba phần chính. Một là đánh giá tình hình quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các TĐ, TCT. QH sẽ làm rõ cơ chế quản lý DN và quản lý tài chính hiện nay như: cơ chế đại diện chủ sở hữu; việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, bộ, UBND tỉnh, thành phố, hội đồng quản trị.
Thứ hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các TĐ, TCT. Đoàn giám sát sẽ đánh giá tình hình giao vốn nhà nước đầu tư cho TĐ, TCT; quy mô, cơ cấu vốn chủ sở hữu và nguồn vốn; năng lực tài chính, bao gồm cả khả năng thanh toán nợ, hệ số an toàn vốn.
Đoàn giám sát cũng sẽ làm rõ hiệu quả hoạt động của các TĐ, TCT thông qua việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước; đánh giá tình hình vốn đầu tư vào DN khác, trong đó làm rõ tình hình đầu tư vốn vào các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng, bất động sản.
Nội dung thứ ba, đoàn giám sát sẽ kiến nghị cụ thể những văn bản cần xây dựng mới, cần sửa đổi, bổ sung cũng như giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính, nâng cao việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước…
Trước ngày 30/4, các TĐ, TCT sẽ tự báo cáo tình hình về cho đoàn giám sát. Mỗi báo cáo do đoàn giám sát thiết kế gồm nhiều mục khác nhau: Tình hình sử dụng vốn và tài sản có các mục vốn chủ sở hữu, nợ phải trả, khả năng thanh toán, tỷ lệ an toàn vốn và kết quả kinh doanh…
Báo cáo kết quả đầu tư ra ngoài có các mục: Đầu tư vào tổ chức tín dụng; đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm; góp vốn vào quỹ đầu tư. Các TĐ, TCT đều phải nói rõ lợi nhuận thu được, đánh giá lại giá trị đầu tư…
Tiếp đó, trong hai tháng 5 và 6, đoàn giám sát sẽ đi thực tế tại một số TĐ, TCT. Kết quả sẽ được báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 8/2009, sau đó báo cáo Quốc hội trong kỳ họp cuối năm.
Theo Lê Nhung (VietNamNet)