Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN ) |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiêm trị những cán bộ vi phạm pháp luật, có hành vi bao che cho buôn lậu, gian lận thương mại.
Phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), sáng 8/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần đề cử những người có năng lực tham gia Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố.
Từng thành viên Ban chỉ đạo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp, giám sát lẫn nhau, xử lý nghiêm những vi phạm để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại.
Cho rằng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng với quy mô lớn, phá hoại hoạt động sản xuất trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan truyền thông đại chúng cần đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi, sâu đậm về vấn nạn hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại để nhân dân nâng cao nhận thức, tẩy chay những loại hàng hóa này nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân mỗi người.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nêu rõ những yếu kém, bất cập trong công tác này thời gian qua, đồng thời, cũng nêu phương hướng hành động cụ thể của từng ban, bộ, ngành thành viên, trách nhiệm của tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ.
Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trình bày cho thấy, tình hình buôn lậu, hàng giả vẫn diễn ra phức tạp; việc triệt phá những đường dây lớn còn hạn chế, chỉ mới xử lý khâu lưu thông mà chưa xử lý cái gốc là từ khâu nhập khẩu; số vụ được xử lý còn ít, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế. Cả năm 2013, các lực lượng chức năng phát hiện trên 32.000 vụ buôn lậu, buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, với trị giá gần 430 tỷ đồng.
Buôn lậu diễn ra phổ biến ở các tuyến biên giới, đặc biệt, buôn lậu ở tuyến biên giới biển, trong đó có xăng dầu, là vấn đề nóng trong năm 2013. Không chỉ xăng dầu, tại các tuyến trên biển còn diễn ra buôn lậu gia súc, gia cầm, phân bón. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các lực lượng cảnh sát biển, bộ đội Biên phòng, hải quan đã phát hiện, xử lý gần 940 vụ, thu phạt trên 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, tình trạng buôn lậu còn diễn ra trên đường hàng không và ngay trong lưu thông nội địa.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cũng nhấn mạnh đến tình trạng buôn lậu diễn ra mạnh ở các tuyến biên giới; đồng thời đề nghị đánh giá lại vấn đề tạm nhập tái xuất hàng hóa nhập khẩu để có sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm ngăn ngừa buôn lậu.
Góp ý vào phương hướng hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung đề nghị phải quy định rõ, mỗi địa bàn cần một lực lượng chịu trách nhiệm chính phối hợp với các lực lượng chuyên trách khác để quy trách nhiệm cụ thể khi xảy ra vụ việc hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, nếu để tình trạng này xảy ra nghiêm trọng và nhức nhối ở địa phương thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Ban chỉ đạo 389 quốc gia được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban, Bộ Tài chính là Cơ quan thường trực (thay cho Bộ Công thương – thường trực của Ban chỉ đạo 127 trước đó).
Với việc nâng cấp Ban chỉ đạo thành Ban chỉ đạo quốc gia, do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, các thành viên đều là lãnh đạo của các bộ ngành, sự ra mắt của Ban chỉ đạo 389 quốc gia được coi là mốc quan trọng để đẩy nhanh hiệu quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có 21 thành viên. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là Phó Trưởng Ban Thường trực; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương là các Phó Trưởng Ban.
Các thành viên khác của Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương./.
Theo