Chánh án Trương Hòa Bình. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Nâng cao chất lượng tố tụng, tránh để oan, sai, bỏ lọt tội phạm,… là một số nội dung chính trong phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình.
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang được nhiều đại biểu dẫn chiếu như một điển hình của tình trạng oan sai trong tố tụng và yêu cầu người đứng đầu ngành tòa án nêu rõ trách nhiệm, biện pháp khắc phục, nhằm lấy lại lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chất vấn: Trách nhiệm của ngành Tòa án đến đâu, giải pháp minh oan, bồi thường cho người bị oan sẽ được thực hiện như thế nào? Cũng với nội dung này, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Chánh án Trương Hòa Bình cho biết quan điểm về thông tin cho rằng có dấu hiệu ép cung, dùng nhục hình?
Rà soát các bản án có đơn kêu oan
Trả lời đại biểu, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Mỗi năm các cơ quan tố tụng thụ lý khoảng 100 ngàn vụ án hình sự. Khối lượng công việc lớn, nhiều áp lực, thậm chí phải đối mặt với hy sinh, khủng bố, đe dọa, vì vậy thực tế có thể xảy ra oan sai.
Đành rằng trong thực tế thì bất cứ nền tư pháp nào thì cũng khó tránh việc oan sai. Nhưng ép cung, nhục hình oan sai tới mức 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được, Chánh án nhấn mạnh.
Đối với thông tin có oan sai, ép cung, nhục hình trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án khẳng định, việc xác định có oan sai hay không phải chờ đợi kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan chức năng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Quốc hội và trước nhân dân để xác minh, làm rõ những vấn đề này.
Đối với tòa án, Hội đồng xét xử dựa trên tài liệu chứng cứ, hồ sơ của các cơ quan có trách nhiệm truy tố. Tòa thụ lý và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Với trách nhiệm của hội đồng xét xử dù không phát hiện được ép cung trong điều tra, nhưng xét xử để xảy ra oan sai thì vẫn có liên đới trách nhiệm. Trong năm 2013 toàn ngành Tòa án đã xử lý 71 cán bộ vi phạm, số lượng này là nhiều nhất trong các cơ quan tư pháp, Chánh án cho biết.
Về vấn đề bồi thường, Chánh án Trương Hòa Bình nói nếu để xảy ra oan sai phải thực hiện bồi thường theo quy định của Nhà nước.
Theo Chánh án, để hạn chế tình trạng oan sai, cần phải đảm bảo sự tranh tụng tại phiên tòa. Đồng thời cần phát huy đầy đủ vai trò của người tham gia tố tụng và các đương sự; tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ; thường xuyên thực hiện công tác giám đốc kiểm tra, rà soát, xem xét một cách toàn diện những vụ án hình sự mà có ý kiến, đơn thư kêu oan. Mặt khác, nếu có xảy ra, phải kịp thời khắc phục.
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết thêm, Tòa án NDTC đang chỉ đạo rà soát lại tất cả các bản án hình sự có đơn kêu oan, hoặc có kiến nghị của các cấp, phản ánh của báo chí nhất là các bản án có mức án cao nhất để phát hiện các sai sót, kịp thời xử lý.
Nghiêm cấm ép cung, nhục hình
Tham gia báo cáo bổ sung liên quan tới oan sai, hiện tượng ép cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự và quan điểm, giải pháp của Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang khẳng định: Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và công tác điều tra, xử lý các vụ án hình sự nói riêng, một nguyên tắc chỉ đạo hàng đầu và xuyên suốt là không để lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai; nghiêm cấm việc mớm cung, ép cung, bức cung, nhục hình. Nếu vi phạm phải xử lý nghiêm minh. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.
Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Theo quy định, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án là những người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra oan sai. Với trách nhiệm quản lý và tổ chức hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra trong công an nhân dân, Bộ Công an có trách nhiệm về tất cả hoạt động của cơ quan điều tra, kể cả những sai sót trong hoạt động điều tra.
Quan điểm, chủ trương trên được toàn ngành Công an luôn quán triệt thực hiện. Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, phát hiện và khắc phục, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Vì vậy các sai phạm trong hoạt động điều tra đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, cá biệt vẫn xảy ra ở một số đơn vị, địa phương thậm chí còn án oan sai, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để giải quyết khắc phục các tình trạng trên, Bộ Công an đã, đang chỉ đạo các cơ quan điều tra trong ngành thực hiện các giải pháp: Tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cũng như tạo điều kiện trên thực tế để người bào chữa được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an cũng thường xuyên giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm, chuyên môn của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên trong công tác điều tra, phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Theo Nguyên Linh ( Chinhphu.vn )