Chiều 18-12, bản dự thảo Quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được Bộ GD-ĐT công bố với hàng loạt điểm mới.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, theo quy định, sau khi đăng tải để lấy ý kiến rộng rãi, bản Quy chế chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 dự kiến có thể ban hành trước Tết nguyên đán sắp tới.
2015: Sẽ có khoảng 34 cụm thi trên toàn quốc
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ được tổ chức theo cụm thi. Theo Bộ GD-ĐT, mô hình tổ chức các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia không phải là việc làm mới. Từ năm 2003, cùng với việc nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức thi tuyển sinh vào trường mình, Bộ đã tổ chức thi theo các cụm thi liên tỉnh ở Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh.
Trên cơ sở những thành công của việc tổ chức các cụm thi, năm 2012 Bộ GDĐT tổ chức thêm cụm thi tại Hải Phòng. Việc tổ chức thi tuyển sinh theo các cụm thi đã được các trường ĐH, CĐ trong cả nước tin tưởng và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Do đó, việc mở rộng các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây.
Tại kỳ thi năm 2015, Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và giao cho các trường ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT. Ông Mai Văn Chinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, thông qua khảo sát kỹ lưỡng và cụ thể, dự kiến trên cả nước sẽ có từ 34-35 cụm thi.
Một điểm khác biệt nữa là nếu những năm trước đây, các thí sinh dự thi tuyển sinh phải đi đến các trường ĐH, CĐ hoặc đến 4 cụm thi (Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng) nên phải đi quãng đường khá xa, gây áp lực giao thông và chi phí cho việc đi lại là khá lớn thì năm tới, với việc mở rộng ra thành nhiều cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh thì địa điểm dự thi gần hơn sẽ giảm được chi phí đi lại cho thí sinh và gia đình.
Mỗi thí sinh được xét tuyển tối đa tới 4 lần
Theo dự thảo Quy chế, mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày), mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.
Các trường ĐH, CĐ duy trì các khối thi như những năm trước đây. Ngoài ra, các trường có thể mở rộng tổ hợp các môn thi khác theo yêu cầu tuyển sinh của trường và tạo điều kiện cho thí sinh có thêm lựa chọn đăng ký xét tuyển.
Những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển cho các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi trước đây, 25% chỉ tiêu còn lại dành cho các khối thi mới.
Sau khi có kết quả thi, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân, đảm bảo những học sinh đạt kết quả thi cao sẽ được lợi thế khi xét tuyển và hạn chế những trường hợp các thí sinh có điểm thi cao vẫn trượt ĐH, hạn chế hiện tượng thí sinh ảo.
Căn cứ kết quả thi của thí sinh trên toàn quốc, Bộ GDĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
"Áp" thang điểm 20, kết quả thi được phân hoá cao
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Do đó, để đạt được mục đích nói trên thì yêu cầu phân hóa trình độ của thí sinh được phản ánh qua kết quả các môn thi trong kỳ thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước (kỳ thi TN THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ).
Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao.
Để có độ phân hóa cao, chất lượng đề thi đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời công tác coi thi, chấm thi cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh.
Do vậy, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Với các lý do nói trên, Bộ GDĐT chủ trương sử dụng thang điểm 20 trong kỳ thi THPT quốc gia.
Nguồn: Bảo Hân ( Hà nội mới )