Nhà thiết kế Nguyễn Tiến Dũng đã đoạt giải nhất cuộc thi hồ thủy sinh quốc tế năm 2009Chỉ mới 30 tuổi nhưng Nguyễn Tiến Dũng lại có thú vui của những bậc cao niên. Cửa hàng Thủy Mộc của anh (số 122/4 Trần Tuấn Khải – quận 5-TPHCM) với những chiếc hồ lớn, nhỏ được trang trí bằng nhiều loài cây cỏ như cỏ Nhật, dương xỉ, bách diệp, hồng hồ điệp, diệp tài hồng; các loài rong rêu, cá, tép… tạo nên mảng xanh ngút ngàn mà bất kỳ ai đi qua cũng muốn dừng lại ngắm nhìn.
Nguyễn Tiến Dũng và hồ thủy sinh do anh thiết kế |
Một sự tình cờ
“Từ nhỏ, tôi vốn say mê sưu tầm, nuôi dưỡng các loài cá dĩa. Khi lớn lên, đi bộ đội trở về, niềm đam mê ấy vẫn tràn ngập trong tôi. Tuy nhiên, để đến với nghề thiết kế hồ thủy sinh lại là sự tình cờ. Năm 2002, ba tôi bị tai nạn, nằm ở nhà. Suốt ngày nhìn những bức tường khô khan, ba tôi luôn cảm thấy ngột ngạt.
Nhà thiết kế Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Gần đây, tình trạng khai thác cá biển làm sinh vật cảnh khá nhiều khiến không ít loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trong năm nay, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhân giống để những loài cá có nguy cơ tuyệt chủng sinh sản. Có như thế những loài cá đẹp mới được bảo tồn và phát triển trong tương lai”.
Tôi thấu hiểu nỗi buồn của ba. Để ông bớt căng thẳng, tôi đã sưu tầm các loài rong, rêu, cây cỏ về đặt vào hồ cá trong nhà. Không ngờ, khi hoàn thành, chiếc hồ thủy sinh của tôi rất đẹp. Ngày ngày, ba tôi cứ ngắm chúng, có thêm niềm vui. Từ đó, tôi bỗng nghĩ: Ở TPHCM, nhà nào cũng chật hẹp. Những chiếc hồ thủy sinh sẽ đem lại không gian sống cho những ngôi nhà vốn thiếu khung cảnh thiên nhiên” – nhà thiết kế Nguyễn Tiến Dũng kể về cơ duyên đưa anh đến với nghề.
Thời ấy, sách báo, tài liệu về thủy sinh không nhiều. Dũng và người bạn có chung niềm đam mê thủy sinh là nhà thiết kế Ngô Trường Thịnh thường chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Riêng Dũng, ngoài việc học hỏi, anh còn đến các vùng miền để sưu tầm những loài cây và rong rêu mang về nhân giống. Khu vườn nhỏ của anh tại Thủ Đức được hình thành. Ở đó, anh đã nuôi trồng hơn 150 loài cây cỏ, rong rêu khác nhau.
Tìm tòi, sáng tạo
Trong thời gian nuôi trồng các loài thủy sinh, Dũng nhận thấy giá thể để các loài cây sinh sống trong hồ được làm từ đất sét trộn phân chuồng dễ làm cho nước bị bẩn. Muốn hồ thủy sinh đẹp phải thay dọn thường xuyên và trong quá trình vệ sinh, sỏi đá sẽ làm hồ bị trầy xước.
Những lần được tham quan các hội chợ cá kiểng quốc tế, anh thấy giá thể nhân tạo được các nước sử dụng rất nhiều vì không ô nhiễm, không tan trong nước, rất tiện dụng. “Ở Việt Nam, đất rất nhiều, trong khi để có đất nhân tạo chúng ta phải nhập về với giá rất cao. Ý định thiết kế giá thể sạch cho các loài cây thủy sinh hình thành trong tôi”- Dũng tiết lộ.
Anh bắt tay vào thử nghiệm làm giá thể. Nhiều loại đất ở các nơi được anh sưu tầm về thử nghiệm. Thế nhưng, khi cho đất vào nước thì thủy sinh không sống được hoặc bị tan ra. Giữa lúc đang bối rối, thất vọng, anh gặp được một chuyên gia Nhật có bí quyết làm giá thể cho thủy sinh. Sau nhiều lần trao đổi, anh biết được đất cần xử lý thật kỹ trước khi cho các loài vi sinh vào thì cây mới sinh trưởng tốt.
Anh cũng phát hiện chỉ có đất đỏ bazan thích hợp nhất cho các loài cây. Sau gần 2 năm nghiên cứu, tiến hành xử lý các tạp chất, phèn và tạo thêm vi sinh cho đất, năm 2007, Dũng cho ra đời đất BonBon Basalt với đặc tính kết dính, không rã trong nước. Với loài đất này, các loại cây trong hồ thủy sinh vẫn sinh trưởng tốt, nước trong mà không làm cho cá trong hồ bị chết.
Nuôi cá biển trong môi trường nước ngọt
Sau những thành công của mình, tháng 10-2009, Dũng và nhà thiết kế Ngô Trường Thịnh đã sáng tác nhiều tác phẩm để tham dự cuộc thi thiết kế hồ thủy sinh quốc tế tổ chức tại Nhật. Tại cuộc thi này, Moment in time (Khoảnh khắc thời gian) của hai anh đã vượt qua 1.342 tác phẩm đến từ 51 quốc gia để đoạt giải nhất với trị giá giải thưởng 10.000 USD.
Không dừng lại ở niềm đam mê cây cỏ, cá kiểng, cách đây 6 tháng, Dũng còn tiến hành nghiên cứu “Thuần hóa cá biển trong môi trường nước ngọt”. Anh lý giải: “Cá biển vốn có màu sắc rất đẹp, nếu chúng sống được trong môi trường nước ngọt thì những hồ thủy sinh sẽ đẹp gấp nhiều lần”.
Anh không ngần ngại bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tiến hành thí nghiệm, ra tận Nha Trang để sưu tầm cho được loài cá biển Nemo đưa về. “Thất bại nối tiếp thất bại, hơn 500 con cá cất công mang về nuôi thí nghiệm không sống được nhưng tôi vẫn không nản lòng”- Dũng tâm sự.
Sự kiên trì của anh cuối cùng đã được đền đáp. Đầu năm 2010, những chú cá Nemo sống trong môi trường nước ngọt đã được ra mắt công chúng. Nhiều khách hàng trong và ngoài nước đặt hàng, đề nghị anh chuyển giao công nghệ. Nhà thiết kế Nguyễn Tiến Dũng dự tính: “Tôi vẫn còn phân vân trong việc chuyển giao vì qua nhiều trở ngại tôi mới thành công. Trước mắt, tôi muốn những chú cá biển có màu sắc rực rỡ sẽ được tô điểm cho các hồ thủy sinh ở Việt Nam, góp phần làm giảm áp lực căng thẳng trong cuộc sống của nhiều hộ gia đình”.
Theo Người lao động