Bằng công nghệ của Đức, khoảng 1.000 m2 Hồ Gươm sẽ được thí điểm nạo vét bùn vào tháng 11, nhằm mục tiêu trả lại độ sâu song vẫn đảm bảo sinh thái và bảo vệ các loài sinh vật.
Theo quyết định của UBND Hà Nội, địa điểm nạo vét cho lần thử nghiệm này nằm ở khoảng hồ giữa Đền Ngọc Sơn và quán cafe Thủy Tạ. Việc hút bùn chỉ được tiến hành cách bờ 10 m bởi hồ đã được kè và móng kè cần bảo vệ.
Việc nạo vét sẽ tiến hành bằng công nghệ hút bùn ngầm của các chuyên gia Cộng hòa liên bang Đức. Sau khi nạo vét thí điểm, kết quả sẽ được quan trắc, đánh giá để có phương án xử lý tiếp theo với toàn bộ diện tích Hồ Gươm. Nhóm chuyên gia và công nghệ này từng thành công khi nạo vét bùn ở ao cá Bác Hồ vào tháng 6 năm nay.
Theo UBND Hà Nội, việc nạo vét hút bùn cho Hồ Gươm là cần thiết, song phải tuyệt đối đảm bảo việc giữ nguyên trạng cho hệ sinh thái. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo Phó giáo sư Hà Đình Đức, Chủ nhiệm dự án thí điểm nạo vét phía Việt Nam, lớp bùn trầm tích trong lòng Hồ Gươm ngày càng dầy. Chỗ nông nhất của hồ chỉ còn 30-40 cm, sâu nhất 1,4 m. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, hồ có nguy cơ trở thành đầm lầy.
Kết quả đo đạc cũng cho thấy, lượng nước trong lớp bùn của Hồ Gươm giảm rất nhanh theo độ sâu. Ở độ sâu 30 cm, hàm lượng nước là 80% và bị khoáng hóa mạnh, chất liệu cứng và trơ. Do vậy, chỉ nên hút tối đa 30 cm bùn ở phần lớn các khu vực của hồ.
"Yêu cầu đặt ra là không ảnh hưởng tới nơi sinh sống của cụ rùa và giữ điều kiện sống càng giống như hiện tại càng tốt", ông Đức nói.
Cũng theo Phó giáo sư Đức, diện tích của khu vực xử lý thí điểm chưa tới 1% diện tích Hồ Gươm nên nếu hút 30 cm bùn phía trên thì tổng lượng bùn sẽ hút là 300 m3. Lượng nước hao hụt chỉ là 100 m3 (cột nước hồ giảm dưới 1 mm) nên không cần bổ cập nước.
Hồ Gươm từng được nạo vét thủ công 2 lần vào các năm 1993 và 2004.
Theo VnExpress