Du lịch không chỉ liên quan đến phong cảnh, văn hóa mà cần cả hệ thống cơ sở hạ tầng tiện lợi, cùng với quyết tâm xử lý rốt ráo những vướng mắc, tồn tại để tạo thuận lợi, hài lòng nhất cho du khách.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ tin tưởng du lịch vùng ĐBSCL nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung sẽ có bước phát triển ấn tượng trong năm 2016, tạo đà cho một thời kỳ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2016 với chủ đề “Khám phá đất phương Nam” vào tối 10/4 tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương; các vị khách quốc tế, du khách trong nước và nước ngoài cùng đông đảo người dân huyện đảo Phú Quốc.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kiên Giang, huyện đảo Phú Quốc, nơi được chọn làm địa điểm phát động Năm Du lịch quốc gia 2016 với chủ đề “Khám phá đất Phương Nam”.

Miền đất Kiên Giang, nơi phát tích của Tao đàn Chiêu Anh Các, được khai phá với ý chí chinh phục thiên nhiên, đấu tranh bảo vệ giang sơn bờ cõi; là nơi đất, nước, con người ở thế đi lên, sức sống tràn đầy, hòa quyện vào nhau.

Nét đẹp của cảnh, của người như trong “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” không chỉ là niềm tự hào của Kiên Giang mà của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng đất với những cánh đồng lúa bời bời, những vườn cây trĩu qủa, những kênh rạch chằng chịt, xuồng ghe mắc cửi…; vùng đất của những giai điệu đờn ca mộc mạc mà thanh cao, mênh mang mà sâu lắng, của những người con hiền lành mà bất khuất; anh hùng và rất đỗi nhân hậu, nhất mực nghĩa tình…

Đây là tiềm năng to lớn mà ngành du lịch cùng các địa phương cần khơi dậy, cần phát huy.

Không bằng lòng với những kết quả đạt được

Nhìn lại năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành du lịch có sự tăng trưởng rất ấn tượng hơn 43% doanh thu, 48% du khách nội địa. Đặc biệt, các cấp chính quyền và toàn xã hội đã dành sự quan tâm đặc biệt trong xác định những vướng mắc, tồn tại đi liền với các giải pháp tháo gỡ, khắc phục, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.

Những kết quả tích cực của năm 2015 hứa hẹn những bước tiến bộ nhanh, vững chắc hơn của ngành du lịch.

Tuy nhiên, những người làm du lịch cần thẳng thắn nhìn nhận rằng du lịch Việt Nam chưa thật cạnh tranh ngay với các nước trong khu vực.

 

Vì vậy, trước yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ của đất nước, phát huy mọi nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, cùng sự cạnh tranh ngày càng cao trong ngành “công nghiệp không khói” trên thế giới, du lịch Việt Nam phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trên cơ sở tận dụng lợi thế so sánh về thiên nhiên, kho tàng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đã được cả thế giới công nhận.

Niềm tin từ đổi thay ở Phú Quốc

Nhấn mạnh những tiềm năng, lợi thế về thắng cảnh, văn hóa chỉ có thể được phát huy cùng với hệ thống hạ tầng cơ sở tiện dụng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tạo môi trường đầu tư thật sự thuận lợi để phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch là điều kiện cần thiết hàng đầu.

Điển hình như sự đổi thay của du lịch Phú Quốc những năm gần đây. Nhìn lại những năm 2000, mỗi năm Phú Quốc đón khoảng 100.000 du khách. Hơn 10 năm phát triển liên tục tới năm 2013 cũng mới chỉ đạt hơn 620.000.

Vẫn những người dân Phú Quốc chịu thương chịu khó, vẫn biển ấy, rừng ấy nhưng khi có sân bay quốc tế, có điện lưới, có các dự án đầu tư du lịch quy mô lớn của những nhà đầu tư uy tín, đủ tiềm lực thì Phú Quốc vụt chuyển mình hướng tới một thiên đường du lịch tiềm năng.

Năm 2014 số du khách đến với Phú Quốc tăng gần gấp đôi với 1,051 triệu lượt người và năm 2015 đã có 1,637 triệu khách đến với hòn đảo này, mang lại doanh thu gần 100 triệu USD.

“Thành công của Phú Quốc là kinh nghiệm và cũng là niềm tin cho du lịch Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Giải quyết rốt ráo vướng mắc, tồn tại đã được nhận diện

Nhắc tới vai trò quan trọng của hệ thống cơ sở hạ tầng song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý ngay với điều kiện hiện có, du lịch vẫn có thể phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn rất nhiều nếu chúng ta tập trung xử lý rốt ráo những vướng mắc, tồn tại đã được nhận diện.

Cụ thể là những thủ tục hành chính liên quan tới xuất nhập cảnh, đi lại, lưu trú, đầu tư, kinh doanh… cần được cải cách để tạo thuận lợi nhất cho du khách và người kinh doanh du lịch.

Cùng với đó, ngành du lịch, các địa phương và bắt đầu từ mỗi người dân cùng chung tay thực hiện những giải pháp đồng bộ để không còn nạn trộm cắp, ăn xin, bắt chẹt, mất vệ sinh, mất lịch sự… làm du khách “một đi không trở lại”.

“Người dân phải được tuyên truyền, vận động để ý thức được, để sửa đổi, từ bỏ những việc làm, thói quen không tốt, ảnh hưởng xấu tới du lịch, tới xây dựng nếp sống văn hóa. Chính quyền phải vào cuộc với đầy đủ trách nhiệm, kỷ cương hành chính. Thực tiễn vừa qua, những địa phương tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện đều đem lại những hiệu ứng tích cực rất rõ nét”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.

Một tiết mục nghệ thuật trong lễ khai mạc. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Bí quyết làm hài lòng du khách

Chia sẻ trăn trở của nhiều địa phương trước thực trạng thiếu hụt cán bộ, nhân viên du lịch được đào tạo căn bản, có tính chuyên nghiệp cao, giỏi ngoại ngữ…, Phó Thủ tướng cho rằng có 2 điều mà người làm du lịch thực hiện tốt sẽ khiến du khách hài lòng hơn rất nhiều, chưa cần đến trường lớp lớn hay giỏi ngoại ngữ – đó là sự sạch sẽ và thái độ phục vụ.

Nhấn mạnh “tất cả mọi nơi, mọi thứ từ to tới nhỏ đều phải sạch sẽ, thật sạch sẽ. Tất cả mọi lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười đều thể hiện, đều khởi phát từ tấm lòng tôn trọng khách”, Phó Thủ tướng tin tưởng bằng hành động thiết thực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, du lịch vùng ĐBSCL nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung sẽ có bước phát triển ấn tượng trong năm 2016, tạo đà cho một thời kỳ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Nguồn: Đình Nam ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *