Đúng 9 giờ sáng 20/10, tại Hội trường Diên Hồng-Nhà Quốc hội, đặt tại trung tâm chính trị Ba Đình-thủ đô Hà Nội, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 10 – Kỳ họp cuối năm 2015 với trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật triển khai thi hành Hiến pháp 2013; giám sát, đánh giá, quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội của đất nước.
Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII được tổ chức trọng thể tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN) |
Kỳ họp diễn ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang triển khai nhiều hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Kỳ họp thứ 10 dự kiến làm việc trong 31 ngày với khối lượng lớn các dự án xây dựng pháp luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp. Phiên khai mạc được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để đông đảo cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, đại diện Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Trước phiên khai mạc, các vị lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các Ðoàn đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quốc hội đã họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của Kỳ họp.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối năm, kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Đây là thời điểm cả nước đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, triển khai Đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào năm 2016. Nhiệm vụ đặt ra thật nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao!
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật, nhiều Nghị quyết; cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được xác định là một nội dung trọng tâm với số lượng lớn các dự án luật nhằm tiếp tục triển khai, sớm đưa Hiến pháp vào cuộc sống.
Quốc hội sẽ xem xét các Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016-2020 và ban hành nghị quyết của Quốc hội về các nội dung này.
Đồng thời, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.
Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp 2016-2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và phê chuẩn Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Tổng Thư ký Quốc hội.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian, công sức tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện chu đáo các nội dung trình Quốc hội theo chương trình, tiến độ đã xác định.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, để kỳ họp thành công tốt đẹp.
Tại phiên khai mạc, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016./.
Nguồn: