Sáng 19/1, Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

 

Diễn ra trong thời gian hơn hai ngày, bên cạnh việc xem xét một số dự án luật lớn nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013, một nội dung quan trọng tại Phiên họp lần này là việc các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào tháng Ba sắp tới.

Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 34, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ đến thời điểm tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132. Đây là sự kiện đối ngoại lớn nhất đất nước năm 2015.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ IPU-132 là sự kiện ngoại giao quốc tế lớn nhất mà Việt Nam từng đăng cai tổ chức từ trước đến nay. IPU-132 có sự tham gia của đại biểu đến từ hơn 160 quốc gia trên toàn thế giới.

Tại Phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ rà soát lại chi tiết các hạng mục của công tác chuẩn bị đến thời điểm này, đảm bảo cho thành công của IPU-132.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết về công tác xây dựng pháp luật, Phiên họp thứ 34 sẽ xem xét một số dự án Luật lớn hầu hết sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật bảo đảm thi hành Luật tổ chức Quốc hội; cho ý kiến về các vấn đề lớn của dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến một số vấn đề về công tác nhân sự.

Thời gian tuy ngắn, nhưng Phiên họp có nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian, tích cực tham gia ý kiến, đóng góp để đảm bảo chất lượng Phiên họp.

Trong buổi làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Tại kỳ họp lần thứ tám Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành thảo luận cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức ba cuộc hội thảo ở ba khu vực để phục vụ việc nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật.

Một nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau tại buổi làm việc là quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ cho sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo đề xuất của Ủy ban Quốc phòng An ninh, cơ quan thẩm tra dự án này đề nghị không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên để bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sinh viên, học viên an tâm học tập và không phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn vì số lượng ngày càng tăng như hiện nay thì cần có quy định một số hình thức để sinh viên, học viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại buổi làm việc tán thành với đề nghị quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ cho sinh viên, học viên đang học tại cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân như quy định của Luật hiện hành.

Các ý kiến này cho rằng quy định như vậy là nhằm tận dụng hiệu quả của công tác đào tạo, giáo dục cũng như quá trình học tập của cá nhân và có thể tạo cơ hội cho những đối tượng thuộc diện này tham gia nhập ngũ sau khi tốt nghiệp Đại học. Thực hiện như vậy sẽ cung cấp cho Quân đội lực lượng tham gia nghĩa vụ quân sự có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Buổi làm việc cũng ghi nhận ý kiến đồng ý như dự thảo luật, chỉ tạm hoãn cho đối tượng là sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy và quy định kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với đối tượng này./.

Nguồn: Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *