Ngày 23/11, tại Vũng Tàu, Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), và Hội luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức đã khai mạc.
Ảnh chụp vệ tinh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép. (Nguồn: AFP) |
Hơn 200 đại biểu, trong đó có gần 70 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam, cùng hơn 30 đại diện của 19 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và hơn 30 phóng viên thuộc 17 hãng tin trong và ngoài nước tham dự hội thảo.
Trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 7 là cơ hội để các học giả nghiên cứu Biển Đông hàng đầu trong nước và quốc tế chia sẻ thông tin và đánh giá về các diễn biến gần đây và những hệ lụy ở khu vực Biển Đông, đồng thời thảo luận các khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Hơn 30 tham luận sẽ được các đại biểu trình bày trong hai ngày hội thảo gồm 6 phiên: tình hình thế giới và những tác động đến vấn đề Biển Đông; những diễn biến gần đây trên Biển Đông; quan hệ nước lớn ở Biển Đông; luật pháp quốc tế; triển vọng tương lai; và tình huống giả định: giải quyết, phân định, và hợp tác ở Biển Đông.
Các diễn giả dự kiến sẽ thảo luận tình hình trên Biển Đông ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ chính trị, ngoại giao tới luật pháp nhằm tìm kiếm các cơ hội và ý tưởng thúc đẩy hiểu biết và hợp tác ở Biển Đông trên tinh thần các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Bên cạnh chương trình chính, hội thảo lần đầu tiên sẽ tổ chức Chương trình Các nhà lãnh đạo trẻ (YLP) tập hợp 9 nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh tiến sỹ từ 7 quốc gia với mục tiêu xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu trẻ về Biển Đông và thảo luận về các ý tưởng và sáng kiến hợp tác mới vì hòa bình và phát triển ở Biển Đông.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định: “Năm 2015, Biển Đông không có những cơn bão lớn nhưng sóng ngầm vẫn cuồn cuộn, đe dọa sự an nguy của một trong những huyết mạch giao thông trên biển quan trọng hàng đầu của thế giới; đe dọa tính mạng và công cuộc mưu sinh của hàng triệu ngư dân đã đánh bắt ở các ngư trường truyền thống trên Biển Đông hàng nghìn năm qua, đe dọa sự ổn định, an ninh và phát triển của cả khu vực."
Nguyên trạng trên Biển Đông đang thay đổi nhanh chóng về so sánh lực lượng của các bên trực tiếp liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông; sự hiện diện và mức độ hoạt động của các bên có lợi ích ở Biển Đông; và cả thực trạng chiếm đóng của các bên tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong những năm qua, đã có những nỗ lực rất lớn của cộng đồng học giả khu vực và quốc tế trong việc theo sát diễn biến ở Biển Đông, kịp thời đánh giá, phân tích chính sách và hành động của các bên liên quan, đưa ra các kiến nghị chính sách để chính phủ các nước, vì lợi ích của chính dân tộc mình, vì hình ảnh và uy tín của chính nước mình, đặt lợi ích của nước mình ở Biển Đông trong tổng thể lợi ích lớn hơn ở cả khu vực và thế giới; để từ đó hành động có trách nhiệm hơn ở Biển Đông.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ Biển Đông trở thành một điểm nóng mới ngày càng lớn.
Trong bối cảnh đó, phát huy kết quả của 6 hội thảo các năm trước, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 7 sẽ thảo luận theo nguyên tắc: thẳng thắn, hợp tác và xây dựng và chia sẻ, từ đó đưa ra những đánh giá khoa học, những kiến nghị mới, có giá trị thực tiễn cao để kiến nghị tới các bên liên quan.
"Biển Đông chỉ có thể yên bình khi tất cả các bên vì lợi ích của chính mình, tính đến lợi ích của tất các bên khác; khi tất cả các bên hành xử theo các khuôn khổ luật pháp và tập quán quốc tế được đa số các nước công nhận và tán thành cách diễn giải," Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định./.
Nguồn: VIETNAM+