Ngày 14/7, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016, góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Đây là hoạt động quan trọng mở đầu Chương trình hành động toàn khóa của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X; là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Hội nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 và Luật Báo chí 2016, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nêu rõ Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016, Chủ tịch nước công bố luật vào ngày 29/4/2016, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Luật Báo chí được thông qua đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và toàn xã hội. Luật Báo chí sửa đổi 2016 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Việc sửa đổi và ban hành Luật báo chí 2016 khẳng định Đảng, Nhà nước đề cao vai trò của báo chí, đồng thời cũng trao trách nhiệm cao cả, nặng nề cho những người làm báo Việt Nam.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức giới thiệu tóm tắt quá trình xây dựng và nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật Báo chí 2016; quán triệt về nội dung Luật Báo chí 2016 và góp ý sửa đổi, bổ sung Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; triển khai Hướng dẫn số 1092/HD-HNB về tổ chức cho người làm báo, hội viên học tập, quán triệt sâu sắc Luật Báo chí 2016, những điểm mới, điểm nhấn so với Luật Báo chí 1999…
Luật Báo chí 2016 có 6 chương 61 điều, trong đó 32 điều mới 29 điều sửa đổi. Điểm cốt yếu nhất của Luật là khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, đảm bảo quyền tiếp nhận thông tin và quyền được thông tin của xã hội. Luật cũng quy định rõ, cụ thể những điều báo chí không được làm; quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, việc cải chính trên báo chí khi đưa tin sai; luật hóa các quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khẳng định những năm qua, những người làm báo Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng và các cấp chính quyền với nhân dân, phê phán đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng tiêu cực, tệ nạn xã hội,… góp phần dự báo, đón đầu các xu thế phát triển của xã hội.
Song bên cạnh đó, có thể nhận thấy những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo đang diễn ra ngày càng phức tạp, cho thấy dấu hiệu tha hóa trong một bộ phận người làm báo. Đó là hiện tượng nhà báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, bóp méo sự thật… Tình trạng nhà báo lạm quyền-cửa quyền ngày càng gia tăng; vẫn còn hiện tượng nhà báo lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi cá nhân, làm trái pháp luật…
Theo Điều 8 Luật Báo chí 2016, một trong những nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam là ban hành, tổ chức thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam phát động các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân góp ý kiến tham gia sửa đổi, xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và luật pháp hiện hành.
Thời gian tổ chức triển khai quán triệt Luật Báo chí 2016 và lấy ý kiến sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam diễn ra trong 5 tháng từ tháng 5 đến hết tháng 9/2016./.
Nguồn: THANH GIANG (TTXVN/VIETNAM+)