Tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ Ba, sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

 

Bổ sung các thiệt hại được bồi thường phát sinh trong thực tế 

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, việc sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp 2013, đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Qua đó từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế. 

Dự thảo Luật có 9 chương, 84 điều, so với Luật 2009, dự thảo đã sửa đổi 47/67 điều, bỏ 20 điều, quy định mới 37 điều.

So với Luật 2009, dự thảo Luật bổ sung 1 điều về nguyên tắc bồi thường nhà nước ( Điều 4) theo hướng Nhà nước chỉ bồi thường các thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này. Trường hợp Luật khác có quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì áp dụng các quy định của Luật này về thủ tục giải quyết bồi thường để giải quyết. Đồng thời, Nhà nước chỉ bồi thường khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại. 

Dự thảo bổ sung 5 điều quy định các loại văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực hành chính (Điều 9), tố tụng hình sự (Điều 10), tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (Điều 11), thi hành án hình sự (Điều 12), thi hành án dân sự (Điều 13); bổ sung 1 điều về việc xác định thiệt hại (Điều 24) và bổ sung các thiệt hại được bồi thường phát sinh trong thực tế chưa được Luật 2009 quy định để phù hợp với pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, giúp người bị thiệt hại có căn cứ xác định thiệt hại được bồi thường và mức yêu cầu bồi thường… 

Tán thành cần thiết sửa đổi Luật 2009 

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng được nêu trong định hướng tiếp tục thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2016-2020 là: “tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan nhà nước phù hợp thực tiễn phát triển đất nước…” đồng thời, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan mới được ban hành. 

Xuất phát từ tổng kết thực tiễn thi hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng làm rõ các thiệt hại được bồi thường và căn cứ xác định mức bồi thường, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường, nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại. 

Thể hiện quan điểm tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu, việc sửa đổi Luật 2009 phải bám sát vào Báo cáo tổng kết qua 6 năm thi hành Luật 2009. 

Những nội dung, vấn đề nào còn khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thì mới tiến hành sửa đổi, những quy định của Luật hiện hành còn hợp lý cần tiếp tục kế thừa – Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định việc sửa Luật 2009 phải thể hiện sự tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Băn khoăn khi qua 6 năm thi hành Luật 2009, mới thụ lý, giải quyết 258 vụ việc, Chủ nhiệm cho rằng nếu người dân ý nhân thức được quyền được bồi thường thì sẽ không dừng lại ở con số 258 vụ việc. 

Nêu quan điểm, qua thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, băn khoăn khi thấy Báo cáo tổng kết 6 năm thi hành không đề cập gì tới nội dung này. Đánh giá đây là mục đích rất quan trọng mà luật hướng tới, quan đó để nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật 2009 cần phải bổ sung nội dụng này. 

Xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 

Tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm tới việc xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Điều 1 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong 3 lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. 

Dẫn Điều 30 và 31 của Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật” (Điều 30); “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự” (Điều 31), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quyền được bồi thường là quyền hiến định và không bị giới hạn ở một lĩnh vực, một hành vi hay một trường hợp nào, vì vậy đề nghị ban soạn thảo cần xác định lại phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong dự thảo Luật để bảo đảm tính bao quát, phù hợp với quy định của Hiến pháp cũng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Cũng băn khoăn bởi dự thảo chỉ giới hạn 3 lĩnh vực gồm quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tuy nhiên Chủ nhiệm Phan Thanh Bình đặt vấn đề nếu mở rộng hơn, thêm các lĩnh vực khác thì ban soạn thảo phải xác định rõ đó là những lĩnh vực nào, khả năng thực hiện ra sao… 

Thể hiện quan điểm cân nhắc các quy định này của dự thảo Luật cho phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với một số luật khác, cơ quan thẩm tra dự thảo Luật là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu: dự thảo Luật quy định việc bồi thường chỉ trong ba lĩnh vực (quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án), đồng thời liệt kê các trường hợp cụ thể trong từng lĩnh vực mà không có điều khoản mở dẫn đến cách hiểu chỉ những trường hợp quy định trong Luật mới được giải quyết bồi thường. 

Trong khi đó, một số luật hiện hành như Luật tiếp cận thông tin, Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, Luật tố cáo,… lại có quy định dẫn chiếu trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về Luật này. Đối chiếu với quy định tại khoản 12 Điều 13 Luật hiện hành về phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước trong quản lý hành chính cũng có quy định “các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định.”

Đề nghị giữ mô hình cơ quan giải quyết bồi thường như Luật hiện hành 

So với Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, mô hình cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước trong dự thảo Luật có sự thay đổi cơ bản. Theo đó, dự thảo Luật quy định 02 loại cơ quan liên quan đến giải quyết bồi thường là cơ quan gây thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường. 

Tờ trình của Chính phủ xin ý kiến về việc tách bạch giữa cơ quan giải quyết bồi thường và cơ quan ra quyết định bồi thường. Theo đó, loại ý kiến thứ nhất đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường sẽ ra quyết định bồi thường và tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không nhất trí với quyết định bồi thường và khởi kiện ra Tòa án. Theo loại ý kiến này sẽ có 2 cơ quan liên quan đến giải quyết bồi thường là cơ quan gây thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị tách bạch giữa cơ quan giải quyết bồi thường và cơ quan ra quyết định bồi thường. Trường hợp người yêu cầu bồi thường khởi kiện quyết định bồi thường ra Tòa án thì đại diện cơ quan ra quyết định bồi thường tham gia tố tụng tại Tòa án. Theo loại ý kiến này sẽ có 3 cơ quan liên quan đến việc giải quyết bồi thường là cơ quan gây thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường và cơ quan ra quyết định bồi thường. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu, qua tổng kết thi hành Luật 2009, vấn đề hiện vướng mắc hiện nay không phải do mô hình cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước mà là do thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường. Tiếp tục nhấn mạnh quan điểm, việc sửa đổi Luật 2009 phải bám sát để sửa đổi những bất cập, hạn chế được chỉ ra qua 6 năm thi hành Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ hiện nay, qua thực hiện đang có vướng mắc về mặt thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, mô hình cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước không có vướng mắc thì không sửa đổi mà sẽ vẫn giữ như luật hiện hành. Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 chỉ quy định 01 loại cơ quan là Cơ quan có trách nhiệm bồi thường, đồng thời xác định cụ thể cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong từng lĩnh vực. 

Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong Luật hiện hành so với dự thảo Luật chính là cơ quan gây thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường, đồng thời cũng là cơ quan ra quyết định bồi thường (mô hình ba trong một). 

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật – Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật đề nghị giữ mô hình cơ quan giải quyết bồi thường như Luật hiện hành. Theo đó cơ quan gây thiệt hại đồng thời là cơ quan giải quyết bồi thường và ra quyết định bồi thường phản ánh đúng quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đó cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có hành vi gây thiệt hại thì có trách nhiệm giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm về việc giải quyết bồi thường của mình. 

Quy định như vậy gắn trách nhiệm bồi thường với cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước cũng như trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. 

Việc giao trách nhiệm giải quyết bồi thường cho cơ quan cấp trên trực tiếp như dự thảo Luật tạo thêm các bước trung gian trong giải quyết bồi thường giữa cơ quan gây ra thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường, gây khó khăn cho người dân trong việc xác định quá nhiều loại cơ quan, làm phát sinh các thủ tục hành chính phức tạp và có thể làm kéo dài thời gian giải quyết; đồng thời phát sinh chi phí cho cả Nhà nước lẫn tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết bồi thường…. 

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Hai. 

Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)./. 

Nguồn: QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *