Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, chiều 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí phát biểu ý kiến. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Dự án gồm 7 chương, 62 điều; trong đó, sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 2 điều mới và bỏ 1 điều.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: Sự cần thiết ban hành Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); chính sách của Nhà nước về chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ…
Cần thiết ban hành Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi)
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với những căn cứ về sự cần thiết sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng: hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó.
Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn, một số ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.
Vẫn còn tình trạng chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu và không đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật… làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam.
Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ.
Cơ bản đồng tình với các nội dung dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), đại biểu Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) cho rằng: Trong xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, việc sửa đổi, bổ sung Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý, góp phần thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung Luật này sẽ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về các căn cứ phải sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 nhằm đáp ứng yêu cầu cao trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ quốc gia, quốc tế.
Hơn nữa, Việt Nam đang trong quá trình cấu trúc lại nền kinh tế, việc đưa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tăng hàm lượng chất xám trong các loại sản phẩm, đổi mới và tiếp nhận thế hệ công nghệ mới cần có Luật chuyển giao công nghệ phù hợp với điều kiện mới để tạo hành lang pháp lý vừa khuyến khích, vừa quản lý hiệu quả công tác chuyển giao khoa học công nghệ.
Cần có chính sách về chuyển giao công nghệ
Thảo luận về chính sách của Nhà nước về chuyển giao công nghệ (Điều 5), cơ bản các đại biểu nhất trí với việc chỉnh sửa, bổ sung điều này như trong dự thảo Luật.
Theo đó, dự thảo Luật cần chú trọng chuyển giao công nghệ trong các ngành, lĩnh vực hướng tới các sản phẩm chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh, phát triển các sản phẩm quốc gia; tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ để hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung chính sách khuyến khích đối với hoạt động chuyển giao công nghệ cao và tiên tiến, hoàn chỉnh từ nước ngoài vào Việt Nam, coi đây là một kênh quan trọng để hiện đại hóa công nghệ trong nước; bổ sung quy định về chính sách đãi ngộ nhằm thu hút, sử dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao…
Đại biểu Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) đề nghị bổ sung chính sách ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với môi trường khí hậu Việt Nam và chịu được hạn mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Thực tế thời gian qua, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khó cạnh tranh so với một số nước, do năng suất cây trồng thấp, thời gian bảo quản ngắn, dễ bị hư hỏng như cây mía, cây ngô làm cho giá thành sản phẩm cao hơn so với các nước.
Trong mùa khô vừa qua, nước mặn xâm nhập sâu vào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, làm cho giống lúa truyền thống của Việt Nam không thể trổ bông, trong khi các nhà khoa học đã nghiên cứu được giống lúa chịu mặn đến 10 phần nghìn nhưng công tác chuyển giao giống mới còn chậm.
Tại điều này, đại biểu cũng đề nghị bổ sung ưu tiên chuyển giao công nghệ cho nông dân các mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao như công nghệ tưới tự động; mô hình trồng rau trong nhà màn…
Thực tiễn nhiều mùa vụ đã chứng minh hiệu quả của chuyển giao công nghệ cao như trồng dưa trong nhà màn bằng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động đã tiết kiệm được 70% nước, 30% phân bón, chất lượng sản phẩm an toàn, ổn định, lợi nhuận đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Nhưng việc chuyển giao các mô hình nông nghiệp công nghệ cao này còn chậm.
Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật như trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung một số nội dung.
Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chuyên sâu về quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ; đặc biệt là nhân lực chuyên sâu về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Cùng với đó, cần có chính sách thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm, chính sách bảo hiểm các công nghệ mới, sản phẩm công nghệ mới, chính sách bảo đảm rủi ro cho các cá nhân thực hiện nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Ngoài ra, cần có chính sách động viên, hỗ trợ để tiếp tục phát huy hiệu quả sức sáng tạo lao động của mọi tầng lớp lao động nhằm thúc đẩy việc đưa kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao ra thị trường.
Quy định cụ thể việc thẩm định công nghệ
Góp ý về thẩm định, kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư (Điều 12), các đại biểu cho rằng cần thiết bổ sung quy định tại điều này về việc phải thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể việc thẩm định công nghệ phải thông qua Hội đồng thẩm định; quy định thành phần chuyên gia tham gia Hội đồng thẩm định; quy trình, thời gian thẩm định; trách nhiệm của Hội đồng….
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) phân tích, hiện nay, hoạt động chuyển giao công nghệ ở Việt Nam chưa thật sự phát triển mà chủ yếu là nhập công nghệ trang thiết bị máy móc của các dự án đầu tư do doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài triển khai thực hiện dự án ở Việt Nam.
Nhưng vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao ngăn chặn không để nước ta thành nơi tiêu thụ, trở thành một bãi rác công nghệ cũ, lạc hậu của nước ngoài.
Hiện nay, các quy định về ngăn chặn công nghệ cũ mới chỉ nằm rải rác ở một số văn bản, quy phạm pháp luật dưới luật và tính pháp lý không cao nên việc thực hiện không nghiêm.
Ngoài ra, trong văn bản luật về lĩnh vực khoa học công nghệ hiện nay chưa có những điều luật quy định cụ thể về ngăn chặn công nghệ cũ, lạc hậu đưa vào Việt Nam.
Đánh giá cao Ban soạn thảo đã đưa vào dự án Luật điều mới về thẩm định, kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư liên quan đến vấn đề này, tuy nhiên đại biểu Tuấn cho rằng Dự án Luật mới chỉ giới hạn công nghệ nằm trong Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao.
Do đó, đại biểu mong muốn Ban soạn thảo trong thời gian tới nghiên cứu để bổ sung trong dự thảo Luật một điều luật quy định về danh mục công nghệ không được đưa vào Việt Nam.
Bởi hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lâu dài ở Việt Nam đầu tư trực tiếp và họ mang công nghệ cũ vào để tận dụng nhân công giá rẻ nhưng không chuyển giao, do đó không chịu sự điều chỉnh của Luật này.
Theo đại biểu để ngăn ngừa công nghệ cũ, lạc hậu vào nước ta, trong dự án Luật cần ban hành danh mục công nghệ không được đưa vào Việt Nam.
Vấn đề này, đại biểu Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) đề nghị cần quy định thẩm định cho tất cả các dự án và bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan kiểm soát công nghệ.
Đặc biệt trách nhiệm của các cơ quan thẩm định công nghệ khi có sự cố, hậu quả xảy ra.
Cũng ở điều này, đại biểu Trí đề nghị bổ sung một khoản quy định về thành phần, tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng thẩm định.
Vì trong thời gian qua một số dự án đầu tư đã được thẩm định công nghệ, tuy nhiên chất lượng thẩm định không cao, thành viên Hội đồng không đánh giá được mức độ hiện đại của công nghệ dẫn đến nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân hoặc nhiều dự án hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí.
Cũng tại phiên họp chiều nay, Quốc hội đã họp riêng, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo chương trình, sáng mai 23/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV./.
Nguồn: