Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 17/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, trả lời chất vấn và thảo luận các nội dung này. Phiên họp được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cho thấy thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành, khẩn trương cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện gắn với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đạt được những kết quả tích cực.
Trong những năm qua, Chính phủ luôn quan tâm bố trí ngân sách nhà nước và thực hiện nhiều giải pháp tăng cường huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng yếu về giao thông, thủy lợi, đê sông, đê biển, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về lĩnh vực nội vụ, Chính phủ đã rà soát, đánh giá và chấn chỉnh tổ chức bộ máy, biên chế, phê duyệt tổng biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2014 trên nguyên tắc giữ ổn định biên chế công chức đến năm 2016.
Việc cải cách chế độ công vụ, công chức được tích cực triển khai. Tinh giản biên chế, bảo đảm tuyển dụng mới không quá 50% số công chức ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại bổ sung cho lĩnh vực cần tăng. Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và 2 lần tăng phụ cấp công vụ với mức điều chỉnh cao hơn tốc độ tăng giá.
Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1/1/2015. Các lĩnh vực thông tin-truyền thông, tài chính, giáo dục-đào tạo, thanh tra, pháp lý đã được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những việc còn chưa đạt yêu cầu như thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nông sản còn khó khăn. Quản lý giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp còn bất cập. Đây cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập trong phiên thảo luận.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần thay đổi phương thức sản xuất cho nông dân, ngư dân để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông-lâm nghiệp, thủy sản và thu nhập cho nông dân và ngư dân.
Các chất vấn, đề xuât và kiến nghị của đại biểu Quốc hội đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát giải trình, làm rõ.
Bên cạnh các vấn đề "tam nông," các đại biểu Quốc hội cũng nêu lên các vấn đề "nóng" trong công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại-tố cáo và chống buôn lậu.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã giải trình một số nội dung liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó trọng tâm là khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai và các giải pháp để phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Ông cho biết trong năm 2014, đã phát sinh hơn 81.000 đơn khiếu nại, tố cáo. Riêng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm hơn 68,2% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo. Tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp, gay gắt, đông người, tạo điểm nóng vẫn chưa giảm. Nguyên nhân là do các quy định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai vẫn chưa theo kịp tình hình thực tế, công tác quản lý đất đai còn nhiều yếu kém. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, trình độ, năng lực của cán bộ còn chưa tốt, công tác tiếp dân chưa kịp thời…
Đến tháng 10 năm nay, đã có 500/528 vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài được giải quyết. Liên quan đến vụ việc của nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội, vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư và chưa có kết luận cụ thể.
Phát biểu cuối phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ trân trọng lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ nỗ lực tập trung cao hơn vào công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là những vấn đề đang tồn tại như tái định cư thủy điện, công tác cai nghiện…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sau phiên họp này, Chính phủ sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra hiệu quả việc thực hiện một số vấn đề cụ thể đã nêu trong các Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn; xác định và phân công rõ hơn trách nhiệm Bộ trưởng, Trưởng ngành trong xử lý các vấn đề mà Quốc hội và cử tri đã nêu. Thủ tướng Chính phủ sẽ có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc quyết liệt hơn, tần suất cao hơn, thường xuyên hơn những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra và đưa vào Nghị quyết chất vấn./.
Nguồn: