Chiều 20/5, trả lời các phóng viên thông tấn, báo chí về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia nhận định cho đến nay có thể đánh giá công tác chuẩn bị bầu cử được thực hiện khá tốt.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
|
Tại các địa phương, lãnh đạo chính quyền đều vào cuộc, các ủy ban bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử đều tích cực chuẩn bị, không để xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật, tránh trường hợp phải bầu cử lại.
Bên cạnh đó, việc tập huấn (cách nhận biết phiếu hợp lệ, không hợp lệ; việc kiểm phiếu nhanh và chính xác…) cho các đơn vị bầu cử đang được đẩy mạnh, trong đó đặc biệt lưu ý việc hướng dẫn cử tri thực hiện đúng nguyên tắc và trình tự, cách thức bỏ phiếu…
Ở một số địa phương còn nghèo, thiếu nơi sinh hoạt công cộng, phải mượn nhà dân để làm khu vực bỏ phiếu…
Vì vậy công tác an ninh, bảo vệ, tổ chức các điều kiện bảo đảm khách quan, công bằng cho các ứng cử viên được tăng cường. Đây là việc các tỉnh đang khẩn trương thực hiện.
Công tác tuyên truyền đang được triển khai hết sức tích cực, thông qua các biện pháp trực quan (băngrôn, khẩu hiệu, cờ, xe cổ động…), bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo không khí phấn khởi cho cử tri cả nước hăng hái tham gia cuộc bầu cử, góp phần để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của non sông.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin theo đề nghị của Ủy ban bầu cử 17 tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh này tiến hành bỏ phiếu sớm.
Tính đến ngày 20/5, cả nước đã có 10/17 khu vực tổ chức bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử đã ấn định. Không khí ở các đơn vị bầu cử sớm rất tốt, vui vẻ.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Cho đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia không nhận được đơn, thư kiến nghị nào về việc không đồng ý với kết luận trả lời của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố.
Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
Ngay sau khi hoàn tất việc kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố gửi biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội kèm theo danh sách những người trúng cử và các loại tài liệu khác có liên quan gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia để lập biên bản tổng kết và công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội trong cả nước (chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử).
Việc khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội.
Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi đến Ủy ban bầu cử chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Ủy ban bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Căn cứ kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về việc cử tri có thể đi bầu cử thay hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định rõ về nguyên tắc bỏ phiếu.
Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu hay là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng, Tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Trường hợp người dân là công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về, đi làm ăn xa, nghỉ mát… cần đăng ký với Ủy ban Nhân dân cấp xã – nơi mình đến để được ghi tên vào danh sách cử tri.
Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn có trách nhiệm bổ sung những trường hợp trên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử. Danh sách cử tri sẽ được hoàn thiện 24 giờ trước khi bỏ phiếu để bảo đảm quyền công dân của cử tri.
Đối với việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho ngày bầu cử, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định cho đến nay công tác bảo đảm an ninh, trật tự được thực hiện tốt.
Càng gần đến ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các phương án, tăng cường bảo đảm công tác an ninh trật tự, an toàn cho ngày bầu cử; đồng thời thường xuyên cảnh giác, đề phòng các âm mưu chống phá, nhất là việc cản trở, tuyên truyền, kích động người dân không đi bỏ phiếu…/.
Nguồn: PHÚC HẰNG (TTXVN/VIETNAM+)