Khác với những năm trước, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) được thay thế bằng Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam diễn ra ngày 5-12. Đây cũng là một khởi đầu cho việc đối thoại chính sách cấp cao giữa các đối tác phát triển với Chính phủ Việt Nam và đánh dấu một giai đoạn mới trong hoạch định chính sách phát triển của Việt Nam. Trong đó đặc biệt có sự thay đổi lớn về tư duy cũng như cách tiếp cận và sử dụng vốn ODA.
“Việt Nam sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội bằng nội lực là chính, đồng thời mong muốn các đối tác phát triển, các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ cả về tư vấn chính sách, cả về hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Công khai tình hình kinh doanh của DNNN
Ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam cho rằng Việt Nam thực hiện tái cơ cấu còn chậm, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo ông, tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam cần tăng tốc mạnh. Trong đó cải cách ngân hàng vẫn là ưu tiên hàng đầu và cải cách các DNNN là rất quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đưa nền kinh tế phát triển bền vững với sức cạnh tranh cao hơn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trong đó tái cấu trúc đầu tư công theo hướng quản lý chặt chẽ các nguồn lực để nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua việc ban hành thể chế thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công tư… “Tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng sẽ được thực hiện đi liền với giảm nhanh nợ xấu, đưa nợ xấu về mức bình thường. Đồng thời, tập trung tái cấu trúc DNNN hiệu quả hơn để DNNN thật sự hoạt động cạnh tranh trong thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo hiệu quả và minh bạch, chúng tôi sẽ công khai kết quả sản xuất, kinh doanh của DNNN” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cam kết với các đối tác phát triển về việc thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội tốt hơn. “Chính phủ Việt Nam tập trung sức tạo việc làm, giảm nghèo bền vững hơn, đặc biệt là đối với dân tộc thiểu số. Hoàn thiện các chính sách hiệu quả hơn về đất sản xuất, giao rừng, hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh… Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng theo hướng thực hiện thiết chế kinh tế thị trường, công khai, minh bạch, phát huy vai trò của người dân, báo chí và xã hội. Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về tham nhũng cũng như nâng cao trách nhiệm người đứng đầu về giải đáp, giải trình” – Thủ tướng nói.
Phải có trách nhiệm với đời sau
Trả lời với báo chí sau diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết từ nay trở đi quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài chuyển sang giai đoạn mới. Việt Nam không chỉ nhận viện trợ mà còn là một đối tác để thảo luận, tranh luận trong hoạch định chính sách để phát triển. Các hỗ trợ ODA sẽ giảm, đặc biệt giảm hỗ trợ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và viện trợ ưu đãi để dành cho các quốc gia nghèo hơn.
“Tuy nhiên, với sự vận động của Việt Nam, các nhà tài trợ tiếp tục cam kết cơ bản không giảm tổng mức đầu tư ODA cho Việt Nam. Trong tay chúng tôi đã có số liệu của các nhà tài trợ cam kết ODA năm 2014 nhưng theo quy định không được công bố. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng con số đó không thấp hơn năm 2013 (cam kết ODA năm 2013 là 6,5 tỉ USD – PV)” – Bộ trưởng Vinh khẳng định. Theo ông, vấn đề không chỉ là hỗ trợ ODA mà giữa các đối tác phát triển và Chính phủ Việt Nam có sự thảo luận để tìm ra chiến lược nào, những vấn đề gì đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Một khi đã thống nhất được các chiến lược, hoạch định chính sách, chúng ta cần nguồn lực để thực hiện những chính sách đó thì các nhà tài trợ luôn luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và sẽ kêu gọi nguồn lực hỗ trợ cho việc thực hiện các chính sách đó. Như vậy, đầu tư có mục tiêu và việc sử dụng các nguồn lực sẽ hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Vinh nhắn nhủ đến các địa phương và các bộ, ngành: “Trước đây chúng ta thường nghĩ ODA là cho không hoặc vay ưu đãi lớn nên sử dụng không hiệu quả. Bây giờ chuyển dần sang vay thương mại với lãi suất thấp. Mặc dù lãi suất thấp nhưng đã là vay thì phải có trách nhiệm quản lý và sử dụng. Chúng ta phải luôn nhớ rằng đây không phải là tiền cho không, đây là tiền vay của Chính phủ trong dài hạn. Chúng ta vay hôm nay thì con cháu chúng ta đời sau trả nợ. Cho nên chúng ta phải có trách nhiệm và nhận thức lại vấn đề xin dự án ODA, không phải xin bằng mọi giá mà phải tính toán đến hiệu quả”.
Theo Thu Hằng ( Pháp luật TPHCM )